Hà Nội. Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 chuyên kiểm tra toàn diện kiến thức và kỹ năng làm bài của học sinh
“Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 chuyên của Hà Nội năm nay hay, có tính phân loại, tạo cơ hội để học sinh bày tỏ quan điểm, kiến thức văn học và kiến thức xã hội cũng như kĩ năng làm bài của học sinh” - cô Nguyễn Thị Thu Trang nhận định.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Wellspring (Hà Nội) đánh giá, cấu trúc đề thi Ngữ văn vào lớp 10 chuyên vẫn quen thuộc, vừa sức với thí sinh thi chuyên trong thời gian làm bài 150 phút đồng thời đề thi có khả năng đánh giá toàn diện với năng lực học sinh Hà Nội thi chuyên Văn gồm hai phần: Nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Cụ thể, câu 1 (3,5 điểm) Câu hỏi nghị luận xã hội đặt ra vấn đề sáng rõ, sâu sắc để học sinh bày tỏ quan điểm, đó là vấn đề nghị luận "những điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương", nhất là với lứa tuổi học sinh chuẩn bị bước vào THPT, các em có suy nghĩ nhận thức về cá tính, mong muốn khẳng định bản thân để được mọi người tôn trọng.
Câu 2. (6,5 điểm) Là câu hỏi yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học "phân tích làm rõ cái mới góp phần tạo nên cái hay trong các bài thơ sáng tác sau năm 1975 của chương trình Ngữ văn 9". Nội dung đề cập tới một vấn đề rất cơ bản của lý luận về tác phẩm văn học, đó là giá trị tác phẩm và tính sáng tạo của nhà văn. Đây cũng là câu hỏi phân loại học sinh. Câu hỏi lí luận rộng bàn về cả tiêu chí nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học.
"Nhìn chung, đề thi Ngữ văn chuyên của Hà Nội năm nay hay, có tính phân loại, tạo cơ hội để học sinh bày tỏ quan điểm và kiểm tra toàn diện kiến thức văn học và kiến thức xã hội cũng như kĩ năng làm bài của học sinh. Tuy nhiên, đề thi chưa mang tính đột phá, tính thời sự hoặc có cách tiếp cận mới đối với học sinh" - cô Trang chia sẻ.
Đề thi Ngữ văn chuyên vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2021 - 2022. Ảnh: GD&TĐ
Còn cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn (Hệ thống Giáo dục HOCMAI) nhận định, đề có cấu trúc và hình thức quen thuộc, hoàn chỉnh với hai phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Cụ thể, câu 1: Đề yêu cầu viết bài văn nghị luận về "điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương". Đây là vấn đề khá hấp dẫn, bởi lâu nay người ta thường quan niệm, để yêu thương phải gắn với cái tốt, cái đẹp, sự hấp dẫn, sự hoàn hảo… Vấn đề nêu ra trong câu nghị luận xã hội khá hay, gần gũi, đi vào vấn đề lắng đọng với mỗi chúng ta.
Câu 2: Đề yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học với một vấn đề đã rất quen thuộc trong văn chương: Mới chưa chắc đã hay, hay phải mới. Đối tượng trình bày là học sinh lớp 9 (14, 15 tuổi) nên bằng trải nghiệm văn học, học sinh lớp 9 khó nhận ra cái hay (trừu tượng). Đề có vẻ "tham lam" bởi yêu cầu học sinh quá lớn về lí luận. Câu lệnh "cái mới" – "cái hay" được thể thể hiện còn lủng củng, gây khó khăn cho học sinh khi phân tích đề.
"Với đề thi này, học sinh đòi hỏi phải có kiến thức sâu, rộng cả về hiểu biết xã hội và kiến thức văn học. Đây là một đề thi hay, có sức phân loại cao, kiểm tra khá toàn diện các đơn vị kiến thức, kĩ năng của thí sinh. Đề có khả năng khơi gợi sự hứng thú của học sinh, tuy nhiên câu nghị luận văn học vẫn còn hạn chế sức viết của học sinh khi giới hạn các tác phẩn sáng tác sau 1975" - cô Phượng chia sẻ thêm.