Saturday, 23/11/2024 - 10:51|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về chuyển đổi số cho Công đoàn Việt Nam

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để trợ giúp pháp lý cho người lao động, Tổng Liên đoàn có thể xây dựng một trợ lý ảo để trợ giúp công nhân qua smartphone.

 

 

 

 

 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa có buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chuyển đổi số. VietnamNet xin gửi đến độc giả toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc này.

Kỷ nguyên số hóa đã bước vào giai đoạn ba. Giai đoạn một là số hóa thông tin. Thí dụ của nó là văn bản giấy thì được số hóa và lưu trữ, xử lý trên máy tính. Giai đoạn hai là số hoá quy trình, số hóa từng chức năng theo chiều dọc, còn gọi là ứng dụng CNTT. Thí dụ của nó là phần mềm quản trị nhân lực. Giai đoạn ba là số hóa tổ chức, là số hóa theo chiều ngang, là đưa toàn bộ hoạt động của tổ chức lên môi trường số, là thay đổi cách vận hành của tổ chức, còn gọi là chuyển đổi số. Thí dụ của nó là không còn việc cấp dưới báo cáo cấp trên, cấp trên muốn có thông tin gì, phân tích gì thì dùng phần mềm để khai thác kho dữ liệu của tổ chức.

Chuyển đổi số ở Việt Nam có sự khác biệt. Vì nhiều việc của giai đoạn một, giai đoạn hai vẫn chưa xong. Nhưng không nhất thiết phải xong giai đoạn một mới đến hai rồi mới đến ba, mà là ba trong một luôn. Đặc điểm lớn nhất của chuyển đổi số ở Việt Nam là ba trong một. Thực hiện chuyển đổi số tổ chức cùng với việc số hóa dữ liệu (thí dụ như số hóa các văn bản lưu trữ), cùng với việc số hóa quy trình (thí dụ như số hóa công tác tổ chức cán bộ, tài chính kế toán). Ba trong một cùng với việc sử dụng những công nghệ số mới nhất sẽ giúp cho công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn và rẻ hơn. Cái may mắn của Tổng Liên đoàn là giai đoạn một và hai chưa làm được nhiều và vì vậy mà có cơ hội ứng dụng những nền tảng số hiện đại nhất và có những cách tiếp cận mới để đẩy nhanh chuyển đổi số.

Chuyển đổi số thì 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo Tổng Liên đoàn, là tri thức của hệ thống Công đoàn. Công nghệ chỉ chiếm 30%. Chuyển đổi số là máy tính thay lao động trí óc. Chúng ta phải dạy cho máy tính trước về tri thức của chúng ta rồi máy tính sẽ tự học tiếp dựa trên dữ liệu mới. Có nghĩa là sự thông minh của máy tính thì đầu tiên là do tri thức của Công đoàn. Những người xuất sắc nhất của Công đoàn phải tham gia cùng với những người làm công nghệ. Và tiếp theo, Công đoàn càng dùng nhiều thì hệ thống càng thông minh lên. Tóm lại là: lãnh đạo thì quyết tâm làm; chuyên viên thì chuyển giao tri thức; doanh nghiệp công nghệ thì tạo ra nền tảng số; cán bộ công chức thì làm việc trên nền tảng.

Chuyển đổi số là để giải quyết bài toán rất nan giải hiện nay là: Chúng ta vẫn làm việc hybrid, tức là nửa trên máy tính, nửa ngoài máy tính. Và vì vậy rất khó kiểm soát hoạt động của nhân viên. Nếu làm bằng giấy cả 100% thì dễ kiểm soát hơn là nửa này, nửa kia. Và vì vậy, nhiệm vụ của chuyển đổi số là đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Nhân viên sẽ làm việc chỉ trên một môi trường duy nhất, kết thúc giai đoạn hàng chục năm qua là nửa này nửa kia.

Giai đoạn 2, giai đoạn ứng dụng CNTT, là số hóa các quy trình. Trong một tổ chức thì có quy trình đã số hóa, có quy trình chưa, các quy trình đã số hóa hết thì lại chưa có liên kết ngang. Và vì vậy mà dẫn đến nửa này nửa kia. Chuyển đổi số là để kết thúc giai đoạn hybrid này. Sứ mệnh của nó là vậy.

Bây giờ tôi xin phép được nói vào một vài việc cụ thể của Công đoàn. Chuyển đổi số bao giờ cũng dễ hiểu hơn thông qua các thí dụ. Bao giờ cũng dễ hiểu hơn, gây cảm hứng hơn và tạo niềm tin hơn khi đề cập đến việc giải quyết những nỗi đau lớn, tức là những tồn tại, khó khăn kéo dài của Công đoàn, bằng chuyển đổi số.

Công đoàn Việt Nam là một tổ chức lớn, có thể nói là rất lớn, với trên 10 triệu thành viên và 125.000 công đoàn cơ sở. Nó giống như một quốc gia vậy. Nếu không dùng công nghệ thì sẽ rất khó quản lý và phát triển.

Thời CNTT thì 125.000 công đoàn cơ sở sẽ là 125.000 phần mềm quản lý khác nhau.  Trong nội bộ mỗi công đoàn cơ sở thì có thể được CNTT hóa, nhưng toàn bộ tổ chức Công đoàn Việt Nam thì không. Tổng Liên đoàn muốn có số liệu của cả hệ thống thì vẫn phải làm bằng tay. Chuyển đổi số thì cả 125.000 công đoàn cơ sở sẽ dùng chung một nền tảng phần mềm của Tổng Liên đoàn. Các công đoàn cơ sở chỉ cần đăng ký vào để sử dụng, không phải đầu tư. Dữ liệu tập trung, không cần cấp dưới báo cáo cấp trên nữa. Và vì cùng làm việc trên một nền tảng nên Tổng Liên đoàn cũng nhìn thấy, giám sát được hoạt động của cả 125.000 công đoàn cơ sở. Điều mà trong lịch sử Tổng Liên đoàn chỉ là mơ ước. Với một tổ chức lớn thì thanh tra, kiểm tra là không xuể và thường khi phát hiện ra thì việc đã nặng, không cứu được người, mất cán bộ. Giám sát trên hệ thống thì được cả 100% công đoàn cơ sở, cảnh báo sớm được, nhắc nhở sớm được và bảo vệ được cán bộ. Sử dụng nền tảng số là dấu hiệu đầu tiên của chuyển đổi số. Tổng Liên đoàn nên bắt đầu chuyển đổi số bằng việc phát triển một nền tảng số dùng chung cho tất cả các công đoàn cơ sở.

10 triệu thành viên thì phải xây dựng Cơ sở dữ liệu các thành viên công đoàn. Dữ liệu là dấu hiệu thứ hai của chuyển đổi số. Tổng Liên đoàn xây dựng Cơ sở dữ liệu thành viên công đoàn thì có thuận lợi rất lớn là dùng lại được rất nhiều trường thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Việc tiếp theo cần làm ngay là xây dựng Cơ sở dữ liệu thành viên công đoàn và cấp thẻ thành viên, như là thẻ căn cước công dân mà Bộ Công an đã vừa làm. Nhưng để nhanh hơn và rẻ hơn thì nên làm thẻ số trên điện thoại di động.

10 triệu thành viên nhưng chỉ có 2.000 cán bộ công đoàn. Mỗi cán bộ phụ trách 5.000 thành viên thì rất khó tư vấn và trợ giúp pháp lý cho các thành viên. Người lao động thường là yếm thế khi có tranh chấp hay tố tụng. Bởi vậy lại càng cần có hỗ trợ của Công đoàn để bảo vệ quyền lợi của họ. Lời giải ở đây sẽ là trợ lý ảo. Tổng Liên đoàn sẽ xây dựng một trợ lý ảo, hoạt động 24/7, nhiều người có thể hỏi cùng lúc, bằng ngôn ngữ nói tự nhiên và thông qua điện thoại thông minh. Toàn bộ tri thức hỗ trợ pháp lý của công đoàn sẽ được đưa vào trợ lý ảo này. Dựa trên các tình huống mà các thành viên hỏi, trợ lý ảo sẽ tiếp tục học hỏi và không ngừng thông minh hơn. Trước đây, hàng trăm tư vấn viên pháp lý của Công đoàn thì vừa ít, trình độ lại không đồng đều. Nay thì chỉ còn một và trình độ thì xuất sắc nhất, cùng lúc đáp ứng hàng ngàn người. Chuyển đổi số có thể biến một việc rất khó thành một việc rất dễ, vừa đỡ tốn sức người mà chất lượng lại tốt hơn. Và như vậy, với sự trợ giúp của trợ lý ảo, mỗi tư vấn viên pháp lý của Công đoàn có thể hỗ trợ nhiều thành viên công đoàn hơn và chỉ tập trung vào 10% công việc cuối cùng mà trợ lý ảo không làm được. Tải giảm đi là cách tốt nhất để tư vấn viên hỗ trợ thật tốt cho các công đoàn viên có vấn đề tranh chấp.

Thời kỳ chuyển đổi số khi mà mọi nghề nghiệp đều liên quan đến công nghệ số, kỹ năng số thì nếu không được đào tạo, nhiều người lao động sẽ bị tụt lại phía sau, mất việc mà không tìm được việc mới. Nhiều người lao động lương thì thấp, lại không có cả thời gian và chi phí cho việc đi học tập trung. Công đoàn hoàn toàn có thể xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến cho 10 triệu thành viên của mình. Học bất kỳ lúc nào, thực hành tại phòng lab ảo bất kỳ lúc nào, tư vấn với giáo viên bất kỳ lúc nào, thi bất cứ lúc nào và được cấp chứng chỉ. Xây dựng nền tảng đào tạo online thì không khó, vấn đề là các chứng chỉ này phải được công nhận trên thị trường để người lao động có thể tìm được việc mới phù hợp hơn, lương cao hơn. Và đây là việc của Tổng Liên đoàn. Mà với Tổng Liên đoàn thì việc này lại không khó.

Có thể chi phí để xây dựng và vận hành một nền tảng như vậy sẽ là một khó khăn, vì chi phí lớn. Nhưng 10 triệu thành viên và nếu mở rộng thêm cho những người lao động có hợp đồng thì sẽ là 25 triệu thành viên. Nếu biến nền tảng này thành một mạng xã hội học tập, một mạng xã hội để người lao động giao lưu, trao đổi, học hỏi nhau, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng thì sao? Nếu biến nền tảng này thành một sàn thương mại điện tử để người lao động có thể mua được hàng hóa có xuất xứ, có chất lượng, giá cả phù hợp và lại bán được cả sản phẩm làm thêm của mình thì sao? Một nền tảng 25 triệu thành viên như vậy sẽ có giá nhiều tỷ USD. Bất kỳ một doanh nghiệp công nghệ số nào của Việt Nam cũng sẵn sàng và mong muốn được hợp tác với Công đoàn. Vấn đề chỉ còn là Tổng Liên đoàn chọn ai thôi và không phải nghĩ đến đầu tư. Chuyển đổi số sẽ luôn mở ra cơ hội bất ngờ nếu nhìn vấn đề khác đi. Tại sao lại không nghĩ đến việc xây dựng một xã hội số thu nhỏ và dành riêng cho tất cả các thành viên của Công đoàn!

Vậy bây giờ, Tổng Liên đoàn phải làm gì? Hãy chọn một doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm đối tác chiến lược. Công việc còn lại là nói rõ mình muốn gì. Chỉ có vậy thôi!

Việt Nam chúng ta có may mắn về chuyển đổi số là thuộc trong nhóm một số ít quốc gia có đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số hùng hậu và xuất sắc. Họ đủ sức giải quyết các bài toán của Công đoàn. Và trong một thời gian ngắn. Không quá 6 tháng! Việc khó nhất của Tổng Liên đoàn nếu có thì là việc chọn ai, vì có nhiều doanh nghiệp tốt để chọn. Nếu Tổng Liên đoàn không tự ra quyết định được thì Bộ TT&TT có thể tư vấn.

Nếu có điều gì cần nói thêm thì tôi xin phép được nói với anh Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chuyển đổi số thì những nơi đi sau lại có thể đi trước, và vì thế mà chuyển đổi số có thể giúp thay đổi vị thế, thứ hạng. Chuyển đổi số thì ai đi trước người đó có nhiều cơ hội hơn. Chuyển đổi số thì chỗ nào, nơi nào, việc nào nhiều khó khăn nhất và là khó khăn kéo dài thì chỗ đó, nơi đó, việc đó sẽ hiệu quả nhất, dễ thành công nhất. Chuyển đổi số thì giải quyết việc lớn dễ hơn là giải quyết việc nhỏ, giải quyết việc khó thì dễ hơn là giải quyết việc dễ. Chuyển đổi số thì làm nhanh tốt hơn làm chậm, việc 5 năm hay làm 1 năm. Lực cản chuyển đổi số của một tổ chức thì chủ yếu là ở người đứng đầu chứ không phải ở nhân viên, vì nhân viên và đối tượng phục vụ của tổ chức đó luôn được hưởng lợi từ chuyển đổi số.

Xin chúc cho công cuộc chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam diễn ra nhanh và thành công, mang lại thật nhiều lợi ích thiết thực cho hàng chục triệu các thành viên của Công đoàn. Bộ TT&TT cam kết đồng hành, sát cánh cùng Tổng Liên đoàn trong công cuộc chuyển đổi vĩ đại này.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Tác giả: Hà Phùng - Sưu tầm
Nguồn:Báo mới Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 38
Hôm qua : 157
Tháng 11 : 3.177
Năm 2024 : 207.672