Thiếu nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao đáp ứng chuyển đổi số
Dịch COVID-19 đã giúp các doanh nghiệp Việt nhận thấy, muốn tồn tại và phát triển cần phải nhanh chóng chuyển đổi số. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công cần có nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao (CNCLC). Thế nhưng, hiện nhiều doanh nghiệp phải “than trời” vì cung không đủ cầu.
Chuyển đổi số để tồn tại
Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) VCCI cho biết, trong năm 2020 tốc độ phát triển của các doanh nghiệp chậm lại do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải “gồng mình” để tồn tại và phát triển. Đây là khó khăn và thách thức không chỉ toàn cầu mà cả Việt Nam, nhất là ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tuy nhiên, theo ông Bình, ngay cả các doanh nghiệp có tiềm năng xuất nhập khẩu lớn trong chuỗi cung ứng, đóng góp kim ngạch xuất nhập khẩu hàng đầu ở Việt Nam, cụ thể như các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may hay da giày cũng gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19.
Ngoài khó khăn trên, theo ông Bình, còn có khó khăn khác là làm sao giữ lao động. Trong giai đoạn này, hầu hết các doanh nghiệp đều có phương án, giải pháp cho mình: một là giữ lao động nhưng trả lương thấp do doanh thu, lợi nhập thấp; hai là sa thải nhân viên. Đứng trước khó khăn và thách thức này, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra khuyến cáo và khuyến nghị, để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch cần phải mau chóng bắt kịp xu thế chuyển đổi số.
Thực tế, trước khi có COVID-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các công nghệ số. Tuy nhiên, công nghệ số chỉ được doanh nghiệp áp dụng chủ yếu đối với các hoạt động quản trị, logistic, marketing… trong khi khâu quan trọng nhất là chuyển đổi số ứng dụng trong cuộc sống, từ sản xuất, dịch vụ, thương mại đến giáo dục… lại chưa thực sự được chú trọng.
“Trong rủi ro có bước ngoặc lớn, nhờ dịch COVID-19 đã giúp các doanh nghiệp nhận ra phải mau chóng chuyển đổi số do người dân đã thay đổi thói quen mua sắm và tiêu dùng. Vì thế, nếu không ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào đời sống, sản xuất, dịch vụ, thương mại … thì các doanh nghiệp không thể tồn tại, kể các các trường học cũng phải ứng dụng chuyển đổi số. Theo đó, làn sóng chuyển đổi số trong năm 2020 đã diễn ra rất nhanh”, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Tuấn, vai trò nhân lực CNCLC trong chuyển đổi số rất quan trọng. Đây cũng là rào cản chủ yếu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuyển đổi số, cũng là điểm nghẽn đối với sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam.
Có thể thấy, dù nhân lực hoạt động trong ngành CNTT tại Việt Nam đã đạt mốc 1 triệu người nhưng các doanh nghiệp vẫn “than trời” vì thiếu hụt nhân lực CNCLC. Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương 500 triệu đồng/năm, thậm chí cao hơn cho kỹ sư CNTT nhưng không thể tuyển dụng được nhân lực như mong muốn.
Trong khi đó, Việt Nam hiện có 236 trường đại học, trong đó có 149 trường đang đào tạo về CNTT, hàng năm cung cấp hơn 50.000 kỹ sư CNTT. Chưa kể, còn có 412 trường đạo tạo nghề CNTT bậc cao đẳng và trung cấp, hàng năm cung cấp khoảng 12.000 nhân lực cho ngành. Thế nhưng, năm 2020 Việt Nam thiếu 400.000 nhân sự CNTT, dự kiến năm 2021 con số này rơi vào khoảng 500.000 người.
Bàn về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực cho biết: “Nhân lực CNCLC là nguồn nhân lực chủ lực trong tương lai. Vì thế, mùa tuyển sinh năm nào, tôi đều đến các trường tư vấn các em học sinh nên quan tâm đến ngành này”.
Tuy nhiên, vấn đề là trường đào tạo CNTT nhiều nhưng chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, chưa đi vào ứng dụng cuộc sống. Theo ông Trần Anh Tuấn, trong số sinh viên CNTT ra trường, chỉ có 30% sinh viên tạm thời đạt chất lượng, đáp ứng được một số yêu cầu cũng như một số ngành; 70% còn lại buộc các doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Với 22 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, ông Nguyễn Trọng Duy, Giám đốc dự án NIIT & K-Group cho biết, hiện nhu cầu thị trường nhân lực CNTT phần lớn tập trung là phân tích dữ liệu, vạn vật kết nối IoT, trí tuệ nhân tạo, Blockchain, tiếp thị kỹ thuật số, ngôn ngữ lập trình… Do đó, nếu không nhanh chóng có giải pháp tổng thể và bài bản, rất có thể Việt Nam sẽ nhanh chóng mất đi lợi thế lớn về nhân lực trong thu hút đầu tư, biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất công nghệ.
Trước thực trạng “giật gấu vá vai” nguồn nhân lực CNTT hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã bắt tay với các tổ chức giáo dục đặt hàng đào tạo; tự mở lớp, mời chuyên gia về đào tạo, thậm chí lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự từ nước ngoài về làm việc nhằm đáp ứng tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực CNCLC hiện nay, đồng thời mang lại cơ hội việc làm cũng như phát triển bản thân cho các bạn trẻ và sinh viên cả nước trong thời đại công nghệ số.
Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức