Thursday, 23/01/2025 - 09:40|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

Phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên

Hưng Yên vốn nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.800 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 172 di tích cấp quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh và 5 bảo vật quốc gia; cùng với các làng nghề truyền thống nổi tiếng và hơn 400 lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hưng Yên còn là quê hương của nhiều đặc sản hấp dẫn như: Nhãn lồng, bún thang, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, chè hạt sen long nhãn… đều là những nguồn tài nguyên có giá trị cho phát triển du lịch.

Du khách tham quan làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm

Đồng chí Nguyễn Thị Sen, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Dựa trên những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch theo hướng các sản phẩm du lịch đặc thù. Đó là du lịch văn hóa tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng và các tuyến đường bộ; du lịch lễ hội dân gian truyền thống; du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng; du lịch làng nghề.

Du khách tham quan đền Đa Hòa tại huyện Khoái Châu trên tuyến du lịch sông Hồng

Loại hình du lịch văn hóa tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng và các tuyến đường bộ được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di tích lịch sử – văn hóa gắn với văn minh lúa nước sông Hồng và sự hình thành, phát triển của tỉnh. Ngành du lịch của tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh tổ chức các tour, tuyến điểm tham quan các di tích lịch sử – văn hóa, cụm di tích tiêu biểu như: Hà Nội – đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch – Làng gốm Bát Tràng; Hà Nội – đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch – Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến; Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến – đền Tống Trân – Di tích Quốc gia địa điểm Cây đa và đền La Tiến; chùa Thái Lạc – chùa Nôm – đền Ghênh…

Du khách tham quan khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên

Về du lịch lễ hội dân gian truyền thống có: Cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch gắn với lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung; chùa Thái Lạc gắn với lễ hội Tứ pháp cầu mưa Lạc Hồng; đền Phù Ủng gắn với lễ hội đền Phù Ủng; Khu di tích đền thờ danh nhân Lê Hữu Trác gắn với lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Chùa Chuông – đền Mẫu – đền Trần gắn với lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến…

Lễ hội Chử Đồng Tử Tiên Dung (xã Bình Minh, Khoái Châu)

Bước đầu, tỉnh đã khai thác, phát huy giá trị của sản phẩm du lịch sinh thái, như tại huyện Văn Giang có mô hình du lịch khám phá vườn cam canh, làng nghề bánh răng bừa, làng nghề trồng hoa, cây cảnh; khu đô thị Ecopark là nơi thu hút du khách và trở thành điểm tham quan, dã ngoại hấp dẫn. Bên cạnh đó, ngoài cảnh quan thiên nhiên, các sản phẩm làng nghề truyền thống Hưng Yên còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng nghề lại gắn với một hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa. Ở đó, du khách không chỉ được ngắm nhìn và cảm nhận những tác phẩm hiện thực từ khung cảnh làng quê thanh bình mà còn được tham quan nơi sản xuất, được tự tay lựa chọn những sản phẩm ý nghĩa.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng nghề hương xạ thôn Cao, xã Bảo Khê, TP Hưng Yên

Tại huyện Khoái Châu, du khách tham quan đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch, đền thờ Triệu Việt Vương, trại gà Đông Tảo, vườn nhãn, vườn cam.

Du khách tham quan đền Dạ Trạch, thưởng thức nghệ thuật hát trống quân

Tại huyện Văn Lâm, du khách tham quan chùa Nôm, chùa Thái Lạc, làng nghề trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai.

Du khách trải nghiệm tại làng nghề truyền thống trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm .

Ở huyện Tiên Lữ, du khách tham quan di tích quốc gia đặc biệt đền An Xá và trải nghiệm đan đó, rọ Thủ Sỹ, ra đồng bắt cá… Nhờ đó, những năm gần đây, lượng du khách đến Hưng Yên ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân 10-15%.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, sản phẩm du lịch Hưng Yên còn đơn điệu. Do chưa phát huy hiệu quả công tác quảng bá nên việc khai thác và tạo sức hút của các làng nghề trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Người dân chưa thực sự tham gia và hưởng lợi từ du lịch làng nghề. Hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm còn thiếu…

Đồng chí Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để nâng tầm cho du lịch Hưng Yên, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch cũng như đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, khác lạ để tăng tính hấp dẫn khách du lịch. Quy hoạch các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch, đầu tư xây dựng các khu mua sắm đồ lưu niệm và các sản vật đặc trưng, gắn việc xây dựng sản phẩm OCOP với phát triển du lịch… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mang đặc trưng của vùng quê văn hiến, bao gồm: Du lịch tâm linh gắn với văn minh lúa nước sông Hồng; Tour du lịch văn hóa đường sông Phố Hiến – Đa Hòa – Hà Nội; du lịch cộng đồng trải nghiệm tại các vùng nhãn Phố Hiến; dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tại Ecopark… Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Chú trọng phát triển liên kết hợp tác vùng; liên kết giữa các ngành, địa phương, kết nối giữa dân cư các điểm du lịch với du khách; liên kết hoạt động tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch…

                                                                                  Theo: http://baohungyen.vn

Tác giả: Hà Phùng - Sưu tầm
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 32
Hôm qua : 172
Tháng 01 : 3.333
Năm 2025 : 3.333