Phát huy lợi thế ruộng bậc thang, tạo sức hút du khách đến với Hòa Bình
Hòa Bình được biết đến là một tỉnh với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, rừng nguyên sinh, hang động kỳ vĩ, hồ nước thơ mộng... trong đó, ruộng bậc thang trở thành một điểm nhấn tiềm năng phát triển du lịch xanh xứ Mường.
Thời điểm này đang là mùa thu hoạch lúa chiêm Xuân của nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Các thửa ruộng bậc thang vàng óng, uốn lượn trên các sườn đồi tạo nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp.
Nổi lên như một điểm có ruộng bậc thang đẹp nhất tỉnh, phải nói đến ruộng bậc thang ở xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn. Để có được những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp tại xã Miền Đồi, người dân nơi đây đã phải mất nhiều mồ hôi, công sức lao động của nhiều thế hệ, bằng sự cần mẫn đã kiến tạo nên hơn 400 ha ruộng bậc thang trên đồi, núi. Đó cũng là nguồn cung cấp lương thực ổn định cho gần 1.000 nhân khẩu ở Miền Đồi. Vụ chiêm Xuân năm nay, toàn xã gieo cấy trên 153 ha lúa. Năng suất ước đạt 45 tạ/ha, sản lượng 69,1 tấn.
Anh Bùi Văn Thường, xóm Thây Voi, xã Miền Đồi cho biết, ruộng bậc thang nơi đây do ông cha để lại từ đời này qua đời khác. Để canh tác được trên địa hình có độ dốc cao, nguồn nước rất quan trọng, từ đó người dân đã ý thức để giữ gìn nguồn nước tốt. Cùng với đó, việc cày bừa, chăm sóc, cấy hái khó khăn, vất vả hơn nhiều so với những cánh đồng bằng phẳng ở vùng thấp. Nhưng đây là hình thức canh tác hiệu quả đã được đồng bào Mường ở Miền Đồi áp dụng từ lâu và mang lại cuộc sống ngày càng no ấm.
Phó Chủ tịch UBND xã Miền Đồi Bùi Văn Thượng bày tỏ, đối với địa phương ruộng bậc thang đã gắn bó với văn hóa, nếp sống cũng như việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để người dân phát huy hiệu quả kinh tế nông nghiệp từ thửa ruộng của mình. Hiện nay, xã đang đề nghị với các sở, ban ngành có định hướng đầu tư phát triển du lịch, giới thiệu các nét đẹp của người Mường gắn với lao động sản xuất, tạo thu nhập kinh tế bền vững cho địa phương.
Anh Bùi Văn Hương, cán bộ văn hóa xã hội xã Miền Đồi cho biết, chính quyền xã đã có kế hoạch, tham mưu cụ thể, lên các chương trình để bảo tồn, quy hoạch các địa điểm có cảnh ruộng bậc thang đẹp. Thời gian qua, các địa điểm ruộng bậc thang, thảo nguyên xanh đã thu hút được rất nhiều khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.
Chị Bùi Thị Thúy Hường, Xóm Dóm Bái, xã Miền Đồi mong muốn chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền quảng bá hình ảnh ruộng bậc thang nhiều hơn nữa tới khách du lịch trong nước và quốc tế, để tạo nguồn thu về du lịch, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân nơi đây.
Từ độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, vẻ đẹp huyền ảo của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn giữa núi rừng Tây Bắc đã thu hút được khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, hiện nay, những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng bản sắc văn hóa từ nếp nhà sàn, ẩm thực dân tộc đậm bản sắc của đồng bào Mường ở Miền Đồi nói riêng, cũng như tại các địa phương khác trong tỉnh Hòa Bình nói chung vẫn chưa phát huy được lợi thế của mình để phát triển mà vẫn còn dừng ở mức tiềm năng về du lịch.
Nền văn hóa Hòa Bình đặc sắc được ví như "miền đất sử thi" cùng kho tàng sử thi, truyện thơ, huyền thoại, mái nhà sàn truyền thống, tập quán hiếu khách... Ngành du lịch Hòa Bình, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương cần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách, đẩy mạnh quảng bá rộng rãi những giá trị độc đáo của nền văn hóa cổ truyền.
Du lịch tỉnh Hòa Bình có những bước tiến khởi sắc, phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Ngành "công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Thanh Hải (TTXVN)