Friday, 24/01/2025 - 01:17|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

Diễn đàn giáo dục 2017: Định vị các vấn đề căn bản của giáo dục phổ thông

Sáng 19/9, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn giáo dục 2017, công bố báo cáo phân tích ngành Giáo dục (giáo dục phổ thông) giai đoạn 2011-2015. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Tỷ lệ học sinh nhập học gia tăng, tỷ lệ lưu ban và bỏ học giảm
Diễn đàn giáo dục 2017 là hoạt động được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả thực hiện phân tích ngành Giáo dục, đề xuất định hướng điều chỉnh một số mục tiêu, giải pháp của Chiến lược phát triển giáo dục. Đồng thời, tạo cơ hội đối thoại chính sách giữa Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành, địa phương với các tổ chức liên quan nhằm đưa ra những khuyến nghị cho đổi mới giáo dục hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày báo cáo tại Diễn đàn

 

Báo cáo phân tích ngành Giáo dục do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành nghiên cứu, xây dựng dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Giáo dục toàn cầu (GPE) và UNESCO được trình bày tại Diễn đàn tập trung vào giáo dục phổ thông với 3 nội dung chính là tiếp cận giáo dục, kết quả học tập của học sinh phổ thông và đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo đã ghi nhận tỷ lệ học sinh nhập học đúng độ tuổi có xu hướng gia tăng ở cả 3 cấp học; tỷ lệ lưu ban và bỏ học có xu hướng giảm ở các cấp học, nhưng có sự khác biệt giữa các vùng miền; vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục đã được quan tâm. Phần lớn trẻ em trong độ tuổi tiểu học đang đi học không có sự chênh lệch về giới….
Cũng theo báo cáo này, mặc dù Việt Nam đã rất tích cực trong việc ban hành khung pháp lý để tạo điều kiện phát triển và bảo vệ người khuyết tật, nhưng trên thực tế trẻ em khuyết tật vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận giáo dục. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số có sự chênh lệch khá lớn so với của trẻ em dân tộc Kinh ở cấp THCS và THPT.
Báo cáo đã đưa kết quả Việt Nam tham gia chương trình đánh giá PISA năm 2012 (đứng trong số 20 quốc gia có điểm cao nhất) và cho rằng, kết quả này cho thấy phần nào chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy học ở giáo dục phổ thông của Việt Nam trong việc tạo nền tảng về kiến thức và năng lực cho học sinh.
Báo cáo phân tích nêu số học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế ngày càng được nâng cao ở các môn dự thi gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Kể từ năm 2012, đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế đều đạt thành tích với tỷ lệ 100%. Số huy chương vàng cũng tăng dần qua các năm. Toán học và Vật lý và 2 môn mà học sinh giành được nhiều huy chương vàng hơn cả.
Những thành tích đạt được của học sinh Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế đã cho thấy sự cố gắng của ngành Giáo dục trong việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh Việt Nam
Theo báo cáo, kết quả đánh giá định kỳ cấp quốc gia đối với một số lớp đầu cấp và cuối cấp học như lớp 5, 6, 9, 11 nhằm theo dõi sự thay đổi về kết quả học tập của học sinh cho thấy, về tổng thể, tính trung bình, học sinh đều đạt được các chuẩn kiến thức - kĩ năng ở mức trên 50% ở các môn học.

Đại biểu tham dự Diễn đàn giáo dục 2017

 

Tuy nhiên, có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền trong cả nước. Khu vực miền núi có tỷ lệ học sinh đạt chuẩn thấp hơn so với khu vực nông thôn và thành thị. Tỷ lệ học sinh dân tộc thường đạt chuẩn ở các môn học thấp hơn học sinh dân tộc Kinh.
Ngoài ra, kết quả học tập của học sinh chưa đồng đều giữa các môn học. So sánh kết quả giữa các môn học thì ngoại ngữ vẫn là điểm yếu đối với học sinh Việt Nam. Đây chính là rào cản đối với học sinh Việt Nam khi tiếp tục học lên hoặc tham gia thị trường lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ về mặt kinh tế và thương mại.
Từ kết quả nghiên cứu tại 3 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát về việc triển khai hoạt động dạy học và phát triển năng lực ở một số lĩnh vực như năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực hợp tác cho thấy, công tác chỉ đạo dạy học phát triển năng lực học sinh đã và đang được triển khai khá mạnh mẽ dưới nhiều hình thức đa dạng. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị các điều kiện cho dạy và học phát triển năng lực cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo tính hiệu quả và xuyên suốt.
Cụ thể, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện dạy và học phát triển năng lực vẫn chưa tương thích với phương pháp mới. Giáo viên vẫn tập trung nhiều vào việc cung cấp kiến thức cho học sinh, chưa quan tâm thỏa đáng đến việc phát triển năng lực và phẩm chất cho các em. Áp lực thi cử cũng là rào cản đối với đổi mới phương pháp dạy học. Tâm lý và nhận thức của nhiều cha mẹ học sinh vẫn nặng về thành tích điểm số.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập tới một số nội dung nghiên cứu khác như một số điều kiện đảm bảo cho phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2011-2015 (tài chính, cơ sở vật chất và quy mô trường lớp, phát triển đội ngũ giáo viên, đổi mới quản lý giáo dục); đổi mới chương trình, sách giáo khoa và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với nhóm thiệt thòi.
Khuyến nghị với giáo dục phổ thông
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, báo cáo phân tích ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2015 tập trung vào giáo dục phổ thông được thực hiện nhằm cung cấp kịp thời các minh chứng hỗ trợ Bộ GD&ĐT sơ kết thực hiện giai đoạn 1 (2011-2015) của Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, đề xuất, khuyến nghị về định hướng và giải pháp thực hiện giai đoạn tiếp theo của chiến lược.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Diễn đàn

 

Thứ trưởng khẳng định, kết quả phân tích ngành đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, báo cáo đã đưa ra được 3 khuyến nghị quan trọng.
Thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, đặc biệt là cho các đối tượng thiệt thòi, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo.
Thứ hai, đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó đặc biệt chú trọng tới đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau trung học; đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học.
Thứ ba, đổi mới quản lý giáo dục, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong phát triển giáo dục.
Theo Thứ trưởng, sau Diễn đàn này, những phản hồi từ chuyên gia, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam sẽ được tiếp thu nhằm hoàn thiện kết quả báo cáo phân tích ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2015, đồng thời, đưa ra được những định hướng và giải pháp liên quan đến giáo dục phổ thông cho giai đoạn thứ hai (2016-2020) của Chiến lược phát triển giáo dục, nhằm đạt được mục tiêu 4 về phát triển bền vững là “đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.

Trung tâm Truyền thông giáo dục

Tác giả: Bộ GD&ĐT
Tác giả: admin
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 147
Tháng 01 : 3.450
Năm 2025 : 3.450