Bộ GD&ĐT. Đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ và nhân văn
Chiều 2/7, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ và Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã kiểm tra thực tế tại một số Điểm thi trên địa bàn thành phố Hà Nội và làm việc với Ban Chỉ đạo thi thành phố, trực tuyến tới điểm cầu Ban chỉ đạo thi 30 quận, huyện.
Đảm bảo các điều kiện thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
Theo báo cáo của Sở GDĐT, năm nay thành phố có 101.326 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 22.000 thí sinh so với năm 2020. Toàn thành phố có 4.235 phòng thi chính thức, 376 phòng thi dự phòng tại 188 điểm thi trên 30 quận, huyện, thị xã.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thành phố Hà Nội
Chuẩn bị kỳ thi, Sở điều động 15.665 cán bộ tham gia công tác coi thi, 778 cán bộ, giáo viên nhân viên tham gia công tác chấm thi, 530 cán bộ giáo viên làm thanh tra công tác coi thi.
Sở đã tham mưu UBND TP ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ban Chỉ đạo thi cấp Thành phố, cấp quận, huyện, thị xã đều được thành lập.
15 đoàn kiểm tra của Ban thường vụ Thành ủy đã kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức kỳ thi và công tác phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong đó chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn phòng dịch, phương án xử lý tình huống phát sinh trong khi thi, các điều kiện trang thiết bị y tế tại điểm thi.
Liên Sở Y tế - Sở GDĐT ban hành hướng dẫn liên ngành về công tác phòng, chống dịch Covid- 19 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, xây dựng kịch bản cho công tác diễn tập tại 100% các điểm thi; thực hiện khử khuẩn theo đúng hướng dẫn của cơ quan Y tế, ưu tiên tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho Ban in sao đề thi, cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi.
Công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ coi thi hoàn thành; dự kiến triển khai diễn tập đại trà về phòng, chống Covid-19 ở 30 quận, huyện, thị vào ngày 04/7. Toàn thành phố tính đến hết ngày 01/7 có số thí sinh diện F0 là 04, F1 là 01, không có thí sinh diện F2, 16 thí sinh trong vùng phong tỏa, cách ly.
Thời gian tới, Sở GDĐT tiếp tục đôn đốc các nhà trường cập nhật đầy đủ tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể dự thi vào các ngày 07, 08/7 và sẽ tham dự đợt thi thứ 2; gửi báo cáo số lượng thí sinh dự thi đợt thi thứ 2 về Bộ GDĐT trước ngày 05/7.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã có những trao đổi, lưu ý với Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội nhằm hoàn thiện công tác chuẩn bị trước khi kỳ thi diễn ra.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đạo tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, Hà Nội cần có sự tham gia sâu hơn của Ban Tuyên giáo các cấp vào chỉ đạo và tổ chức thực hiện kỳ thi quan trọng này. Bên cạnh đó, cần rà soát, phân tầng, đối tượng để từng cá nhân tập trung vào nhiệm vụ của mình, tránh sơ suất, sai sót.
Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT đề nghị, thành phố Hà Nội cần bổ sung kịch bản dự phòng và hướng dẫn xử lý với các tình huống phát sinh về chuyên môn có thể xảy ra trong thời gian diễn ra kỳ thi, nhất là các tình huống đã từng xảy ra những năm trước.
Để tăng cường tuyên truyền, giám sát kỳ thi, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT cũng đề nghị Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội tạo điều kiện tác nghiệp cho phóng viên, báo đài, đảm bảo đúng quy chế; đồng thời, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin nhanh cuối mỗi ngày thi cũng như khi có tình huống phát sinh xảy ra.
“Công tác chuẩn bị, hỗ trợ, phối hợp tốt rồi. Giờ là hành động”
Nhấn mạnh đòi hỏi về một kỳ thi thực sự nghiêm túc, công bằng, khách quan và đảm bảo tối đa quyền lợi thí sinh, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn Hà Nội diễn ra chuyên nghiệp, chủ động, bài bản, khoa học, đáp ứng yêu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra tại một Điểm thi của thành phố Hà Nội
Qua thực tế kiểm tra, hai điểm thi Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên và Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp, ứng dụng rất tốt công nghệ. Thứ trưởng cũng bày tỏ niềm tin, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc, kỹ càng…, kỳ thi sẽ diễn ra thuận lợi, đạt kết quả như mong muốn.
“Công tác chuẩn bị, hỗ trợ, phối hợp tốt rồi. Giờ là hành động”. Khẳng định điều này, Thứ trưởng nêu thực tế hàng năm vẫn có một số lượng thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế mang điện thoại vào phòng thi.Để hạn chế việc này, năm nay, Bộ đã ban hành công văn 552 ngày 5/5/2021 lưu ý trước khi phát đề thi, cán bộ coi thi số 2 nhắc lại lần nữa, còn thí sinh nào mang điện thoại vào phòng thi không.
"Năm trước còn 38 trường hợp, năm trước nữa là 72 trường hợp. Việc mang điện thoại vào phòng thi đã giảm. Tuy nhiên, cần hướng đến một kỳ thi thành công, không có giáo viên, học sinh nào vi phạm quy chế.", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu, tuyệt đối không được để ảnh hưởng đến thời gian làm bài của thí sinh, cố gắng không có điểm thi nào phải sử dụng đề thi dự bị, giáo viên vi phạm quy chế; đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ và nhân văn.
Do là địa phương có số lượng thí sinh lớn nhất cả nước nên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc chuẩn bị của Hà Nội phải làm kỹ lưỡng, bài bản, trách nhiệm, phải có "nhận thức đúng, quyết tâm cao, phương thức phù hợp", cần chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất, dự báo những tình huống có thể xảy ra.
Hà Nội cũng cần phân loại những đối tượng F0, F1, F1, đối tượng đang trong khu cách ly rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể. Nếu sơ suất có 1 em thí sinh có yếu tố dịch tễ tham gia vào kỳ thi để lây lan dịch bệnh thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Ngoài việc tăng cường tập huấn cho tất cả các cán bộ giáo viên nhân viên tham gia làm thi, đảm bảo đáp ứng tất cả đều nắm vững quy chế thi, nhất là những điểm mới, Hà Nội cũng cần bố trí lực lượng cán bộ, giáo viên dôi dư, dự phòng và tập huấn kỹ càng, để thay thế khi cần thiết.
Tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo thi cho biết, việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 thành công giúp cho Ban Chỉ đạo thi thành phố và các địa phương có thêm kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi này, nhưng với tính chất quan trọng và quy mô lớn đòi hỏi công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tuyệt đối không được chủ quan.
Ông Chử Xuân Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo thi các địa phương tiếp tục rà soát các điều kiện tổ chức kỳ thi; quan tâm đến công tác tập huấn, tăng cường trách nhiệm và kỹ năng trong khâu coi thi; đồng thời yêu cầu ngày 3/7, Ban Chỉ đạo thi các địa phương phải tổ chức họp với tất cả các điểm trưởng, thống nhất phương án tổ chức diễn tập phòng, chống dịch và xử lý các tình huống.