Thursday, 23/01/2025 - 16:29|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

Một phương pháp rèn tư duy sáng tạo cho học sinh qua dạy học Toán

GD&TĐ - Môn Toán có vị trí rất quan trọng trong việc rèn luyện và phát triển tính mềm dẻo của tư duy sáng tạo cho học sinh (HS), giúp HS phương pháp suy nghĩ, suy luận, phương pháp tự học và phát triển trí thông minh, khả năng suy nghĩ linh hoạt, sáng tạo.

Trong quá trình dạy học, tính mềm dẻo là một trong những đặc trưng của tư duy sáng tạo được thực hiện dễ dàng và thường xuyên nhất.

Từ quan điểm trên, cô Phan Thị Kim Ngân - giáo viên Trường THPT Dương Quảng Hàm (Văn Giang, Hưng Yên) - chia sẻ hướng rèn luyện tính mềm dẻo của tư duy sáng tạo cho HS qua dạy học môn Toán ở trường THPT.

Đặt trọng tâm vào rèn luyện khả năng phát hiện vấn đề mới, khơi dậy ý tưởng mới

Cô Phan Thị Kim Ngân cho rằng, để rèn luyện tư duy sáng tạo, trước hết cần rèn luyện đặc tình mềm dẻo của tư duy sáng tạo cho HS. Nếu HS được rèn luyện tốt và đạt được khả năng mềm dẻo trong tư duy khi tiếp cận với các bài toán, đó sẽ là cơ sở để hình thành tính nhuần nhuyễn, tính độc đáo…cũng như các đặc tính khác của tư duy sáng tạo.

Về giảng dạy lý thuyết, cần tận dụng phương pháp tập dượt nghiên cứu cho HS. Trong đó giáo viên (GV) tạo ra các tình huống có vấn đề dẫn dắt HS tìm tòi, khám phá kiến thức mới.

GV phải chú ý thường xuyên tập dượt cho HS suy luận có lý (thông qua quan sát, so sánh, đặc biệt hóa, khái quát hóa, quy nạp, tương tự…) để từ đó HS có thể tự mình tìm tòi, dự đoán được những quy luật của thế giới khách quan, tự mình phát hiện và phát biểu vấn đề, dự đoán được các kết quả, tìm được hướng giải của một bài toán, hướng chứng minh một định lý.

Nói cách khác là tăng cường cả hai bước suy đoán và suy diễn trong quá trình dạy toán.

Về thực hành giải toán, cần coi trọng các bài tập trong đó chưa rõ điều phải chứng minh, HS phải tự xác lập, tự tìm tòi để phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề.

Rèn luyện từng yếu tố cụ thể của tính mềm dẻo của tư duy sáng tạo qua khai thác hệ thống bài tập

Theo cô Phan Thị Kim Ngân, tính mềm dẻo của tư duy có các đặc trưng nổi bật: Dễ dàng chuyển từ hoạt động trí tuệ này sang hoạt động trí tuệ khác, dễ dàng chuyển từ giải pháp này sang giải pháp khác, điều chỉnh kịp thời hướng suy nghĩ nếu gặp trở ngại;

Có khả năng thoát khỏi ảnh hưởng kìm hãm của những kinh nghiệm, những phương pháp, những cách nghĩ đã có từ trước. Nhận ra vấn đề mới trong điều kiện quen thuộc, nhìn thấy chức năng mới của đối tượng quen biết.

Để trang bị được cho HS khả năng mềm dẻo linh hoạt trong tư duy, GV cần nắm rõ từng đặc tính của tính mềm dẻo, từ đó trong dạy học cần luôn chú trọng bồi dưỡng từng yếu tố cụ thể đó.

Một số cách thức nhằm bồi dưỡng từng yếu tố đó được cô Phan Thị Kim Ngân chia sẻ như sau:

GV có thể khai thác nội dung các vấn đề giảng dạy, đề xuất các câu hỏi thông minh nhằm giúp HS lật đi lật lại các vấn đề theo các khía cạnh khác nhau để HS nắm thật vững bản chất các khái niệm, các mệnh đề; từ đó tránh được lối học thuộc lòng máy móc và lối vận dụng thiếu sáng tạo.

GV nên sử dụng từng loại câu hỏi và bài tập tác động đến từng yếu tố của tư duy sáng tạo như những bài tập có cách giải riêng đơn giản hơn là áp dụng công thức tổng quát để khắc phục "tính ỳ" (hành động máy móc, không thay đổi phù hợp với điều kiện mới); những bài tập có nhiều lời giải khác nhau, đòi hỏi HS phải biết chuyển từ phương pháp này sang phương pháp khác;

Giáo viên cũng nên sử dụng những bài tập trong đó có những vấn đề thuận nghịch đi liền với nhau, song song nhau, giúp hình thành các liên tưởng ngược xảy ra đồng thời với việc hình thành các liên tưởng thuận, những bài toán "không theo mẫu" không đưa được về các loại toán giải bằng cách áp dụng các định lý, quy tắc trong chương trình…

Kết hợp với rèn luyện các đặc tính khác của tư duy sáng tạo và các hoạt động trí tuệ khác

Cô Phan Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Rèn luyện tính mềm dẻo của tư duy sáng tạo cho học sinh cần kết hợp với rèn luyện các đặc tính khác của tư duy sáng tạo và các hoạt động trí tuệ khác

Cụ thể, GV cần luyện tập cho HS thường xuyên năng lực tiến hành phân tích, đồng thời với tổng hợp để nhìn thấy đối tượng dưới nhiều góc cạnh khác nhau, trong những mối liên hệ khác nhau.

Trên cơ sở so sánh các trường hợp riêng lẻ, dùng phép tương tự để chuyển từ trường hợp riêng này sang trường hợp riêng khác, khai thác mối liên hệ mật thiết với trừu tượng hóa, làm rõ mối quan hệ chung riêng giữa mệnh đề xuất phát và mệnh đề tìm được bằng đặc biệt hóa và hệ thống hóa.

GV có thể cho HS khái quát hóa tài liệu toán học, tạo khả năng tìm được nhiều giải pháp trên nhiều góc độ và tình huống khác nhau, khả năng tìm ra những mối liên hệ trong những sự kiện bên ngoài tưởng như không có mối liên hệ với nhau, khả năng tìm ra giải pháp lạ hoặc duy nhất.

"Các hoạt động này không những củng cố khả năng mềm dẻo, linh hoạt trong tư duy mà còn góp phần bồi dưỡng tính nhuần nhuyễn cũng như tính độc đáo của tư duy" - cô Phan Thị Kim Ngân chia sẻ.

Hải Bình

Tác giả: Báo giáo dục và Thời đại
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 85
Hôm qua : 172
Tháng 01 : 3.386
Năm 2025 : 3.386