Thursday, 23/01/2025 - 16:32|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

Phát triển năng lực người học qua môn Ngữ văn

GD&TĐ - Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo của Đảng (tháng 9 – 2013) đã mở ra một thời kì mới cho việc dạy – học trong trường phổ thông ở nước ta: nhấn mạnh đến việc phát triển năng lực của người học hơn là cung cấp tri thức cho họ. Với môn Ngữ văn, đó là những năng lực gì, và để phát triển tốt những năng lực đó cho người học, cần phải dạy – học như thế nào?

MÔN NGỮ VĂN CẦN PHÁT TRIỂN NHỮNG NĂNG LỰC GÌ CỦA NGƯỜI HỌC?

Vì sao phải chuyển từ cung cấp tri thức sang phát triển năng lực cho người học trong dạy – học các môn ở trường phổ thông? Vì điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Muốn xác định đúng các năng lực cần phát triển qua một môn học, cần phải xuất phát từ đặc trưng của môn học ấy. Môn Ngữ văn cũng vậy.

Trước hết cần lưu ý một điều: Đây là môn Ngữ văn chứ không phải môn Văn (Văn chỉ là một phân môn như một thành tố để cấu thành môn Ngữ văn). Ngữ văn đã thành một môn học chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta khoảng 15 năm nay, và sắp tới, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nó vẫn giữ nguyên vị trí ấy ở bậc học THCS và THPT. Vì vậy, chúng ta cần chỉ ra các năng lực cần phát triển qua môn Ngữ văn chứ không phải chỉ qua môn Văn.

Đặc trưng của môn Ngữ văn là gì? Ngữ văn là môn học được tích hợp từ ba phân môn là Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn (trước đó ba phân môn này là ba môn độc lập, có SGK riêng) gồm hai phần ngữ và văn gắn bó với nhau, bởi “ngôn ngữ là chất liệu làm nên văn học và văn học chính là nghệ thuật của ngôn ngữ”.

Là môn học tích hợp, nhưng về cơ bản nó vẫn là môn học nghệ thuật (Văn vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhât), đồng thời nó lại là môn học thực hành (Tập làm văn được học bài bản và hệ thống).

Trên đại thể, có thể xem Ngữ văn là môn học về cái đẹp với hai khâu liên hoàn: cảm thụ cái đẹp trong văn chương (Văn), ngôn ngữ (Tiếng Việt) để tạo lập ra cái đẹp trong văn bản nói và viết (Tập làm văn).

Đó chính là sợi dây liên kết gắn bó giữa môn học nghệ thuậtvà môn học thực hànhtrong môn Ngữ văn với hai hoạt động chủ yếu: đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản.

Như vậy, với những đặc trưng trên đây, môn Ngữ văn sẽ hình thành và phát triển hai năng lực quan trọng cho thế hệ trẻ: năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nêu “ 10 năng lực cốt lõi” của người học sinh mới, trong đó có năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ. Có thể có môn học cũng góp phần phát triển hai năng lực này của người học (như Mĩ thuật, Âm nhạc,…) nhưng cần khẳng định vị trí của môn Ngữ văn: đây là môn học có nhiều khả năng và ưu thế nhất trong việc hình thành và phát triển hai năng lực này.

Vì thế cần tận dụng tốt môn Ngữ văn để trau dồi hai năng lực đó cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, Ngữ văn còn có thể góp phần phát triển năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề vốn là những “ năng lực bộ phận” tạo nên một số năng lực cốt lõi trên.

Dưới đây là những nội dung – yêu cầu của hai năng lực cần phát triển qua môn Ngữ văn.

1. Năng lực thẩm mĩ

Con người bao giờ cũng hướng về cái đẹp, tìm đến cái đẹp trong cuộc sống. Mác từng nói: “ Con người sản xuất theo quy luật của cái đẹp”. Năng lực thẩm mĩ mang đậm tính người, và mỗi con người, không nhiều thì ít, đều có năng lực này, ngay từ tuổi ấu thơ.

Đến bậc học THCS và THPT, môn Ngữ văn chính là cơ hội tốt nhất để phát triển năng lực này cho thế hệ trẻ, khi các em được tiếp xúc với vẻ đẹp của tác phẩm văn chương và tiếng Việt.

Ở môn Ngữ văn, năng lực thẩm mĩ gồm hai năng lực nối tiếp nhau trong quá trình tiếp xúc với vẻ đẹp của tác phẩm văn chương và tiếng Việt: năng lực khám phá cái đẹp và năng lực thưởng thức cái đẹp.

Năng lực khám phá cái đẹp lại gồm năng lực phát hiện cái đẹp và những rung động thẩm mĩ. cái đẹp nghệ thuật thường không bộc lộ ngay, nên phải có con mắt tinh tường trên cơ sở những rung động thẩm mĩ mạnh mẽ thì mới phát hiện được.

Còn năng lực thưởng thức cái đẹp chính là năng lực cảm thụ cái đẹp và đánh giá cái đẹp ấy. Khi đó, người đọc sẽ sống cùng tác phẩm văn chương và chuyển hóa cái đẹp của tác phẩm thành cái đẹp trong lòng mình, thành tài sản tinh thần của mình. Đó là quá trình “ đồng sáng tạo” cùng tác giả để tạo ra những “ dị bản” trong lòng người đọc.

Và từ cái đẹp của nghệ thuật mà họ nhận ra cái đẹp trong cuộc sống của con người: đây chính là sự đánh giá cái đẹp đúng đắn nhất, và sự đánh giá này là điều không thể thiếu trong năng lực thẩm mĩ của người học để họ chiếm lĩnh được cái đẹp ấy.

Như vậy, trong năng lực thẩm mĩ có cả yếu tố cảm xúc (rung động thẩm mĩ) và yếu tố lí trí (nhận xét, đánh giá,…); hai yếu tố này thường gắn bó, hòa quyện với nhau trong quá trình người học tiếp xúc với vẻ đẹp của văn chương và tiếng Việt.

Phát triển năng lực thẩm mĩ ở đây chính là bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về cả hai mặt cảm xúc và lí trí qua các khâu phát hiện cái đẹp, cảm thụ cái đẹp, đánh giá cái đẹp,… Điều này giáo viên có thể làm được thông qua việc học trên lớp cũng như việc hướng dẫn học sinh tự đọc tác phẩm ở nhà. (Ví dụ như muốn phát hiện cái đẹp, cần chú ý những điều gì khi đọc tác phẩm,…).

2. Năng lực ngôn ngữ

Khi nói một người có năng lực ngôn ngữ thì người đó không chỉ giỏi tiếng mẹ đẻ mà còn thành thạo cả tiếng nước ngoài. Năng lực ngôn ngữ ở đây không bàn về những người như thế mà chỉ nói đến năng lực ngôn ngữ thuộc tiếng mẹ đẻ (tức tiếng Việt) của học sinh qua việc học môn Ngữ văn trong trường phổ thông.

Đã là học sinh Việt Nam thì em nào cũng có tiềm năng ngôn ngữ về tiếng Việt, ít hay nhiều tùy theo môi trường và hoàn cảnh sống. Tiếp nối môn Tiếng Việt ở bậc Tiểu học, môn Ngữ văn ở THCS và THPT được xem là môn học duy nhất giúp cho thế hệ trẻ phát triển năng lực ngôn ngữ này.

Vậy năng lực ngôn ngữ gồm những năng lực gì và nó được thể hiện ra sao trong học tập và đời sống của thế hệ trẻ? Năng lực ngôn ngữ của học sinh trung học gồm ba năng lực chủ yếu sau đây: năng lực làm chủ ngôn ngữ (tiếng Việt); năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) để giao tiếp; năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt) để tạo lập văn bản.

Năng lực làm chủ ngôn ngữ đòi hỏi học sinh phải có một vốn từ ngữ nhất định, hiểu và cảm nhận được sự giàu đẹp của tiếng Việt, nắm được các quy tắc về từ ngữ, ngữ pháp, chính tả để sử dụng tốt tiếng Việt.

Năng lực giao tiếp ngôn ngữ đòi hỏi học sinh phải biết sử dụng thuần thục tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) để giao tiếp trong nhiều tình huống khác nhau với những đối tượng khác nhau trong gia đình, nhà trường và xã hội. Năng lực sử dụng ngôn ngữ để tạo lập văn bản là một năng lực đặc trưng rất quan trọng của năng lực ngôn ngữ trong nhà trường.

Bởi mục đích cuối cùng của nó là để tạo ra được những văn bản chuẩn mực và đẹp. Đó là những văn bản nghị luận (gồm nghị luận chính trị xã hội và nghị luận văn học), những văn bản nghệ thuật (kể chuyện, tả cảnh, tả người) và những văn bản khác (viết báo, viết đơn, làm báo cáo,…).

Để tạo lập được các văn bản trên, học sinh phải biết tạo lập ý, sắp xếp ý thành dàn bài, và viết thành bài văn hoàn chỉnh. Điều này không dễ chút nào, bởi trong thực tế vẫn còn có những sinh viên khi ra trường không viết nổi một cái đơn xin việc!? Xem thế mới biết việc bồi dưỡng và phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh ở bậc học THCS và THPT là cần thiết đến thế nào. Và đó chính là vai trò và nhiệm vụ của môn Ngữ văn.

Như trên đã nói, năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ không tách rời nhau, mà có mối quan hệ gắn bó, tương hỗ để cùng phát triển qua môn Ngữ văn. Nó giống như cặp đôi ngựa cùng song hành để kéo cỗ xe song mã – Ngữ văn chạy về tới đích: phát triển tốt nhất hai năng lực đó cho người học.

Một số ĐỊNH HƯỚNG VIỆC DẠY – HỌC

Trong phạm vi một bài báo, không thể nói hết được những việc cần làm, mà chỉ có thể nêu lên những định hướng để phát triển năng lực cho người học qua dạy – học Ngữ văn.

Thứ nhất, cần thống nhất với nhau trên cả quan điểm và hành động là phải chấm dứt ngay lối dạy truyền thống chỉ cung cấp tri thức cho học sinh để chuyển sang cách dạy Ngữ văn mới nhằm phát triển năng lực cho người học.

Thứ hai, cần có một bộ SGK Ngữ văn được biên soạn theo tinh thần phát triển năng lực người học để làm cơ sở cho việc dạy – học.

Thứ ba, là vai trò chủ đạo của người thầy trong việc phát triển năng lực của học sinh. Để phát triển tốt năng lực thẩm mĩ, cần hướng vào người học là chủ yếu chứ không phải hướng vào tác phẩm hay văn bản như cách dạy truyền thống trước đây; từ đó có thể mở ra cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi để người học khám phá và thưởng thức vẻ đẹp của tác phẩm văn chương.

Để phát triển tốt năng lực ngôn ngữ, bên cạnh việc bồi dưỡng cho người học một vốn ngôn ngữ cần thiết để sử dụng, cần đặc biệt chú ý khâu thực hành bởi chỉ qua thực hành thì năng lực mới phát triển được. Thực hành ở đây là thực hành giao tiếp ngôn ngữ và thực hành tạo lập văn bản, cần được rèn luyện thường xuyên để người học có thể làm chủ được ngôn ngữ và sử dụng thành thạo nó.

Thứ tư, là vai trò chủ động của học sinh để có thể tự phát triển năng lực của mình. Năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ là những năng lực tự thân mà em nào cũng có. Chỉ cần người thầy luôn biết cách khơi dậy khả năng tự phát triển đó của học sinh trong dạy học.

Như vậy, khi vai trò chủ đạo của người dạy gặp được sự chủ động của người học thì việc phát triển năng lực trong dạy – học Ngữ văn sẽ thành công.

TS. NGUYỄN XUÂN LẠC

Tác giả: Báo giáo dục và Thời đại
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 86
Hôm qua : 172
Tháng 01 : 3.387
Năm 2025 : 3.387