Thursday, 23/01/2025 - 09:31|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

Sự đơn giản là chìa khóa của nghệ thuật giao tiếp

Dù được thể hiện dưới dạng lời nói hay văn bản, ngôn từ vẫn là công cụ hữu hiệu để con người có thể kết nối và thấu hiểu nhau. Nói sao cho dễ hiểu cũng cần phải học.

Giao tiếp là nhu cầu thiếu yếu của con người. Những người giỏi ăn nói luôn có lợi thế trong công việc và dễ dàng mở rộng các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, có không ít người gặp vấn đề trong giao tiếp. Dù đã hiểu rõ một vấn đề, nhưng họ luôn gặp khó khăn khi giải thích nó với những người xung quanh.

Một số người nghĩ rằng nên dùng những từ hoa mỹ để chứng tỏ vốn từ và năng lực giao tiếp của mình. Nhưng điều đó nhiều khi không mang lại những tín hiệu tích cực. Sự đơn giản chính là chìa khóa để ghi điểm trong giao tiếp. Trong cuốn Nói một cách đơn giản, tác giả người Hàn Quốc Rhee Dongwoo sẽ chỉ cho độc giả cách nói ngắn gọn mà vẫn đi vào lòng người.

Sách Nói một cách đơn giản của Rhee Dongwoo. Ảnh: Nhã Nam.

Ngôn từ hoa mỹ chỉ phù hợp những cuốn tiểu thuyết

Theo Rhee Dongwoo, nói đơn giản, ngắn gọn chính là bí quyết để giao tiếp hiệu quả ở nơi công sở, hay khi muốn trình bày một vấn đề. Khi bạn nói dài dòng và dùng những từ ngữ khó hiểu, người nghe sẽ dễ mất tập trung, dẫn đến việc trao đổi thông tin không hiệu quả. Vì thế, đừng tự đưa mình vào cảnh “nói dài thành nói dại”.

Không những thế, người nghe luôn muốn dễ dàng nắm được trọng tâm của vấn đề. Nếu bạn nói quá dài, họ sẽ phải hoay loay tìm xem vấn đề chính bạn đang muốn nói là gì. Từ đó, họ sẽ cho rằng bạn không hiểu vấn đề, nên mới trình bày nó một cách dài dòng. Vì vậy, bạn không chỉ cần nói một cách ngắn gọn, mà còn phải đưa trọng tâm của đoạn hội thoại lên đầu để thu hút người nghe.

Một đặc điểm thường thấy của những người nghe, đặc biệt là khi trao đổi các vấn đề về công việc là họ luôn muốn biết kết quả trước, sau đó mới có hứng thú để bàn về quá trình. Vì vậy, hãy đặt nhữnng thông tin về kết quả lên đầu cuộc hội thoại.

Nếu vấn đề mà bạn đang đề cập được chia thành nhiều lộ trình nhỏ, hãy nói về kết quả của từng giai đoạn. Khi nói rõ về kết quả, và đưa nó lên làm luận điểm đầu tiên, người nghe sẽ có lòng tin hơn về những điều mà bạn sẽ nói ở đoạn sau.

Để trình bày một vấn đề hiệu quả, bạn phải sắp xếp các dữ liệu một cách mạch lạc. Trước khi nói, hãy cân nhắc một cách kỹ càng xem nên nói những gì và thứ tự của chúng ra sao. Hãy luôn mang theo sổ tay và bút, việc vạch các ý mà bạn nên nói ra giấy trước khi trình bày, sẽ giúp bạn nói một cách trôi chảy.

Bên cạnh đó, các bạn hãy chú ý quan sát thái độ và ngôn ngữ hình thể của người nghe. Tâm trạng của họ có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp nhận và xử lý các thông tin. Nếu thấy người nghe có dấu hiệu mệt mỏi, chúng ta nên bắt đầu bằng một vài câu chào hỏi, hay một mẩu chuyện hài hước trước khi trình bày vấn đề chính.

Sử dụng từ ngữ đơn giản giúp người nghe dễ dàng nắm bắt vấn đề. Ảnh: Prevento.

Người giỏi ăn nói luôn có tư duy rành mạch

Ngôn từ là một phương tiện để thể hiện tư duy. Theo Rhee Dongwoo, người giỏi ăn nói không chỉ có vốn từ phong phú, khả năng giao tiếp tự tin, mà quan trọng hơn cả, họ là những người có khả năng tư duy rành mạch. Trước khi nói, hãy đặt mình vào vị trí của người nghe, suy nghĩ xem họ muốn nghe điều gì, họ sẽ đặt ra những câu hỏi nào cho bạn.

Từ đó, bạn sẽ biết được mình phải trình bày vấn đề ra sao, nên nói những gì. Nếu phải nói về những vấn đề có nhiều điểm tương đồng, thứ bạn cần chú ý là những khác biệt giữa chúng, đó mới là điều người nghe cần biết. Trước những buổi thuyết trình quan trọng, hãy dành thời gian để suy nghĩ về những câu hỏi phản biện mà bạn có thể sẽ gặp.

Trong giao tiếp, hãy chú ý đến mạch ý của cuộc trò chuyện. Một bài nói với các ý rời rạc sẽ khiến người nghe cảm thấy nhàm chán. Khi trình bày về một vấn đề với nhiều người, có thể bạn sẽ bị cắt ngang để giải thích những thắc mắc của người nghe.

Lúc này, đừng quá sa đà vào việc phải biện, hay giải thích. Hãy nhớ kỹ mình đang nói về điều gì và sớm trở lại với vấn đề chính. Hãy giải thích những thắc mắc của người nghe một cách nhanh nhất có thể, hoặc để việc đó ở cuối buổi thuyết trình. Nếu bạn quá sa đà vào việc giải thích thắc mắc của vài người, thì những người khác cũng sẽ mất tập trung và không còn hứng thú với điều mà bạn thực sự muốn nói.

Tác giả Rhee Dongwoo cho rằng khi nghiên cứu về một vấn đề, sẽ khá nguy hiểm nếu bạn chỉ đọc một cuốn sách. Hãy tiếp cận thông tin một cách đa dạng, để hiểu vấn đề từ những góc nhìn khác nhau. Việc đó sẽ giúp ích cho quá trình phản biện của bạn.

Cuốn sách Nói một cách đơn giản của tác giả Rhee Dongwoo mang đến cho bạn đọc nhiều lời khuyên bổ ích trong giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp nơi công sở, khi bạn phải thuyết trình hay trình bày các vấn đề liên quan đến công việc. Xuyên suốt cuốn sách này, tác giả đề cập đến hai vấn đề chính là sử dụng từ ngữ một cách đơn giản và tư duy mạch lạc.

Việc chuẩn bị kỹ trước khi nói, hiểu vấn đề một cách tường tận sẽ mang tới cho bạn sự tự tin trong giao tiếp, từ đó tạo được hứng thú cho người nghe. Mục đích chính của việc giao tiếp là khiến con người hiểu nhau hơn. Thế nên, hãy nói một cách thật đơn giản, để dễ dàng thấu hiểu và gắn kết.

Tác giả: Hà Phùng - Sưu tầm
Nguồn:Báo mới Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 30
Hôm qua : 172
Tháng 01 : 3.331
Năm 2025 : 3.331