Thursday, 23/01/2025 - 06:05|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

GS. Trương Nguyện Thành: Sao cha mẹ lại bắt con ‘trả nợ’ cho những thất bại trong cuộc đời mình?

Từ câu chuyện một phụ huynh phạt quỳ con vì là học sinh giỏi suốt 7 năm nhưng vẫn trượt THPT, GS. Trương Nguyện Thành nêu quan điểm, nếu bảo con người thành công hay thất bại chỉ vì một cuộc thi, cho rằng cuộc thi quyết định cuộc đời của con, đó là một sai lầm.

GS. Trương Nguyện Thành quan niệm, thất bại là cơ hội để dạy cho con bài học làm thế nào để đứng dậy.

Thi trượt không phải thất bại mà đi tới thành công theo một cách khác. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ đang bi kịch hóa việc thi trượt của con mình, ông nghĩ sao?

Trong cuộc đời mỗi người có bao nhiêu cuộc thi, trải qua nhiều thử thách. Nếu bảo con người thành công hay thất bại chỉ vì một cuộc thi, cho rằng cuộc thi quyết định cuộc đời của đứa con mình, đó là một sai lầm.

Khi đứa trẻ lên trung học, chẳng ai cần biết điểm tiểu học bao nhiêu. Khi lên THPT, cũng chả ai cần biết rằng người đó là “thủ khoa của tiểu học”, hay từng học trường chuyên. Một khi bước chân vào đại học rồi chẳng còn ai để ý bạn học trường nào, điểm số ở trường phổ thông là bao nhiêu.

Quan trọng là có rất nhiều con đường để đi chứ không chỉ một con đường duy nhất. Cũng giống như việc tôi đang ở quận 3 muốn vào quận 1, nếu con đường chính dẫn đến bị nghẽn thì tôi có trăm cách đi vào quận 1 chứ không nhất thiết phải đi con đường tắc ấy nữa.

Cho nên, chỉ vì một cuộc thi mà cha mẹ để cảm xúc của mình lấn át lý trí là một điều đáng tiếc.

Việc đo lường năng lực và giá trị của một đứa trẻ bằng điểm số, bằng thành tích sẽ khiến trẻ trượt dài trong bi kịch ra sao, theo ông?

Năng lực của một người không phải ở điểm số, càng không nên đo lường bằng điểm số. Điểm số chỉ là một thước đo tạm thời chứ không phải tuyệt đối.

"Tôi đã từng thiết kế, xây dựng những vấn đề để cho con tôi được thử thách bản thân, được thất bại ở trung học. Nghĩa là, tôi sẵn sàng tạo cơ hội để con phải đối diện với sự thất bại đó. Tôi đi ngược lại với đám đông, tôi tạo cơ hội cho con thất bại giống như "tiêm vaccine" cho con để con cứng cáp hơn, bởi thất bại ở ngoài đời còn nặng nề hơn nhiều".

Bản thân tôi thi rớt nhiều, thất bại nhiều, thành công cũng nhiều. Nếu lấy thước đo thi đỗ, bằng cấp, thành tích để yêu cầu một đứa trẻ cái gì cũng thành công là kỳ vọng quá hão huyền.

Hỏi rằng cha mẹ - cuộc đời họ có thất bại hay không? Họ có quay lại nhìn lại cuộc đời mình hay chưa?

Nếu cuộc đời của họ đã thất bại nhưng không phải vì cái tư duy "hy sinh đời bố, củng cố đời con" để bắt con phải "trả nợ" cho những thất bại trong cuộc đời của mình.

Không ít phụ huynh đang gieo vào tư tưởng của con trẻ việc thi trượt nghĩa là đóng cửa tương lai?

Thực ra ở tuổi tiểu học, trung học là nơi để cho con thí nghiệm thất bại. Cũng bởi những thất bại ở tuổi ấy không phải là cái giá đắt. Nói đúng hơn, khi ra đời thất bại mới lớn, chứ thi rớt lớp 6 hay thi rớt lớp 10 là quá nhỏ, không học trường này thì học trường khác và nên xem nhẹ kết quả học tập ở các cấp tiểu học, phổ thông.

Tôi muốn con mình nếm trải thất bại, muốn con biết “mình là ai”, “mình đang đứng ở đâu”. Do đó, tôi đã từng thiết kế, xây dựng những vấn đề để cho con tôi được thử thách bản thân, được thất bại ở trung học. Nghĩa là, tôi sẵn sàng tạo cơ hội để con phải đối diện với sự thất bại đó.

Tôi đi ngược lại với đám đông, tôi tạo cơ hội cho con thất bại giống như "tiêm vaccine" cho con để con cứng cáp hơn, bởi thất bại ở ngoài đời còn nặng nề hơn nhiều.

Thà rằng, tôi tiêm cho con mũi "vaccine thất bại" ở thời trung học để khi vấp phải thất bại ở ngoài đời sẽ biết cách ứng phó, đứng dậy được, sẽ không gục ngã. Tôi gọi đó là "kháng bại".

Cha mẹ hãy nghĩ rằng, thất bại là cơ hội để dạy cho con bài học làm thế nào để đứng dậy. Bởi không ai rút được bài học gì từ thành công cả, bạn chỉ học được bài học từ thất bại mà thôi.

GS. Trương Nguyện Thành chia sẻ, nhiều bậc cha mẹ không hiểu được tai hại của việc đem con đi 'tạc tượng' sẽ ảnh hưởng lớn đến con thế nào.
(Nguồn: giaoduc)

Áp lực thi cử, áp lực điểm số, áp lực thành tích không phải là câu chuyện mới nhưng hẳn là ông có nhiều trăn trở sau câu chuyện một người mẹ phạt quỳ con khi nhiều năm liền là học giỏi nhưng thi trượt THPT gây xôn xao dư luận vừa qua?

Cha mẹ nghĩ rằng chỉ là một hành động trừng phạt con để con nhớ nhưng họ quên tác hại của việc làm đó lên tâm lý con sẽ ảnh hưởng tới cả cuộc đời con sau này.

Dĩ nhiên con thi rớt, cha mẹ thường không vui, một số người sẽ đưa ra những hành động làm cho con đau về thể xác cũng như tinh thần, tâm lý như đánh, xỉ nhục, đưa ra hình phạt…

Tất cả những hành động đó đều có ảnh hưởng rất lớn, tai hại cho cả cuộc đời sau này của đứa trẻ. Liệu rằng cha mẹ có hiểu được hậu quả của việc làm khi tức giận hay không?

Tôi nghĩ, người mẹ nào cũng thương con cả, kể cả người mẹ phạt quỳ con cũng thương con. Nhưng ở thời điểm đó, họ giận quá mức và khi giận họ tìm cách hành xử để cho người kia đau về thể xác, tinh thần, tâm lý...

Tất cả hành xử ấy chỉ giúp người ta xả cơn giận tức thời nhưng không hiểu hết hậu quả của nó.

Vậy để học thật, thi thật, cho ra “sản phẩm” giáo dục thật thì cần giải pháp nào?

Nếu là thật, muốn thật thì mình phải nhận thức được cái thật là gì? Mình phải là con người thật trước. Muốn học thật, vậy tại sao mình quá nặng nề điểm số, tại sao mình quá nặng nề bao nhiêu phần trăm ra trường, tại sao mình quá nặng nề về tỉ lệ thi đua?

Nếu nặng nề chuyện đẹp hồ sơ thì làm sao có thật? Thế nên, khi muốn thật thì mình có dám chấp nhận cái xấu xí của sự thật hay không?

Chỉ khi nào ta chấp nhận được cái xấu xí đó, rằng thi là có tỉ lệ rớt cao, phải chấp nhận đó là sự thật, phản ảnh đúng thực trạng, bối cảnh hiện tại để cần thấy giải quyết ra sao chứ không phải đưa ra những con số đẹp. Ngày nào chúng ta chưa chấp nhận cái xấu xí của sự thật thì ngày đó chưa có thật.

Khi chưa chấp nhận được cái xấu xí của sự thật thì có hàng trăm, hàng nghìn giải pháp cũng không dùng được. Cho nên phải bắt đầu từ nhận thức chứ không bắt đầu từ giải pháp, không thể nào đưa ra giải pháp khi chưa thay đổi được nhận thức, nếu không cũng chỉ giống như “nước đổ lá khoai” mà thôi.

Có phải một bộ phận phụ huynh cũng đang vô tình tiếp tay cho căn bệnh thành tích và chất lượng ảo trong giáo dục?

Cha mẹ nào cũng muốn có thành tích, cũng muốn khoe con cả. Nhưng họ không hiểu được tai hại của việc đem con đi "tạc tượng" sẽ ảnh hưởng lớn đến con thế nào.

"Nếu là thật, muốn thật thì mình phải nhận thức được cái thật là gì? Mình phải là con người thật trước. Muốn học thật, vậy tại sao mình quá nặng nề điểm số, tại sao mình quá nặng nề bao nhiêu phần trăm ra trường, tại sao mình quá nặng nề về tỉ lệ thi đua? Nếu nặng nề chuyện đẹp hồ sơ thì làm sao có thật? Thế nên, khi muốn thật thì mình có dám chấp nhận cái xấu xí của sự thật hay không?".

Thực thế, phụ huynh muốn thế nào, con sẽ “ra” y như thế. Cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, vẽ bức tranh cho con, nhưng khi không được như cái mình muốn rồi bắt đầu hành xác con, bạo hành tinh thần con.

Câu chuyện này góp phần báo động chất lượng ảo trong giáo dục ra sao, theo ông?

Tôi không cho là báo động chất lượng giáo dục, đó chỉ là một điều đáng buồn, nêu lên vấn đề trong nhận thức về tương lai, về thành công của con cái mình trên điểm số.

Số đông vẫn đang đặt quá nặng nề vào thi cử, vào bằng cấp, thành tích, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Thật tội nghiệp cho những đứa trẻ bị một cú sốc tâm lý, thậm chí có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời của đứa trẻ đó.

Có thể đứa trẻ sẽ trượt dài từ bây giờ cho đến về sau vì những vết thương tâm lý khó lành khi cha mẹ có những hành xử không hay lúc giận dữ. Cho nên, tôi hy vọng sẽ không có sự việc tương tự sau kỳ thi tốt nghiệp THPT này.

Xin cảm ơn ông!

GS. Trương Nguyện Thành giảng dạy tại Đại học Utah, Mỹ và là Phó Hiệu trưởng Đại học Văn Lang. Ông có hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông trở thành Giáo sư chính môn Hóa Lý tại đại học Utah (Mỹ) vào năm 1992.

Là nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ với gần 200 bài nghiên cứu quốc tế và 2 bằng phát minh, GS.Trương Nguyện Thành đồng thời là người sáng lập Mạng lưới Tri thức Việt toàn cầu. Ông cũng đã giúp đỡ nhiều sinh viên giỏi sang Mỹ du học bằng nguồn tiền từ quỹ nghiên cứu của mình.

Tác giả: Hà Phùng - Sưu tầm
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 14
Hôm qua : 172
Tháng 01 : 3.315
Năm 2025 : 3.315