Hàn Quốc nỗ lực vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số
Hàn Quốc đang được đánh giá là một trong các quốc gia đi đầu thế giới về chuyển đổi số.
Lâu nay, nước này vẫn luôn xác định khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế đất nước và đặc biệt là quá trình chuyển đổi số, do đó, đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển khoa học công nghệ, trong đó có việc công bố "Thỏa thuận Mới về Kỹ thuật số" (Digital New Deal) và Thỏa thuận Mới Toàn diện hướng tới người dân phiên bản Hàn Quốc vào tháng 7/2020 nhằm đưa nước này vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19, vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số. Tròn 1 năm sau sự kiện này, phóng viên TTXVN tại Seoul đã có cuộc phỏng vấn ông Park Yun Kyu, Thứ trưởng phụ trách bộ phận xây dựng chính sách công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin-truyền thông Hàn Quốc về công cuộc chuyển đổi số của nước này.
Theo ông Park Yun Kyu, Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực theo đuổi các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế và trong xã hội, chẳng hạn như các chính sách về dữ liệu lớn, mạng và trí tuệ nhân tạo. Nhờ chuyển đổi số, sự tiện lợi trong cuộc sống người dân đang được cải thiện và năng suất của các doanh nghiệp tăng lên, đảm bảo các động lực tăng trưởng mới. Hiện Hàn Quốc đang đứng thứ 8/63 quốc gia được khảo sát trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh số năm 2020 của Viện Nghiên cứu Phát triển Quản lý Thụy Sĩ (IMD) và xếp thứ hai về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (LHQ).
Ông Park Yun Kyu cho rằng Hàn Quốc có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển đổi số, trong đó phải kể tới cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt nhất thế giới, sự đón nhận chuyển đổi của dân chúng và nguồn nhân lực xuất sắc. Hàn Quốc đã và đang đi đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Hàn Quốc chính là nước thương mại hóa mạng 5G đầu tiên trên thế giới (vào năm 2019). Dựa trên cơ sở hạ tầng này, các công ty và chính phủ đẩy nhanh việc cung cấp các dịch vụ mới kỹ thuật số. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở nước này lên tới hơn 95%, vì vậy, người dân đều đã quen với việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số. Đây chính là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chóng. Ngoài ra, việc Hàn Quốc có rất nhiều nhân tài với trình độ học vấn cao cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số.
Đầu tháng 1 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 262,6 tỷ won (242 triệu USD) nhằm tăng cường đào tạo về AI và phần mềm trong năm 2021. Đây là một phần trong “Thỏa thuận Mới về Kỹ thuật số”, trong đó có việc xây dựng "đập dữ liệu (thu thập dữ liệu từ các nguồn công, tư rồi chuẩn hóa dữ liệu để có thể phân tích được chúng) và đưa các sáng kiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên cơ sở mạng 5G vào tất cả các lĩnh vực.
Theo kế hoạch trên, khoảng 16.000 chuyên gia trong lĩnh vực AI và phần mềm sẽ được đào tạo trong năm 2021, nhằm có được 100.000 lao động kỹ thuật cao trong các ngành vào năm 2025. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc còn có kế hoạch đưa thêm 2 chương trình đào tạo chuyên về AI sau đại học trong năm nay, nâng tổng số chương trình dạng này lên 10; cung cấp hỗ trợ cho 42 phòng thí nghiệm phần mềm, tập trung vào công nghệ AI và dữ liệu lớn (big data). Ngoài ra, bộ cũng sẽ chỉ định khoảng 500 trường tiểu học và trung học cơ sở đào tạo về AI; thành lập một trường tập trung vào lĩnh vực phần mềm tại thành phố cảng Busan ở miền Nam.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ thông tin-truyền thông Hàn Quốc nêu rõ nước này xác định "Thỏa thuận Mới về Kỹ thuật số" là một dự án quy mô lớn nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra thông qua quá trình chuyển đổi số của toàn bộ nền kinh tế và xã hội Hàn Quốc. Đây là một biện pháp khẩn cấp để vượt qua tình trạng mất ổn định về công việc do dịch COVID-19 gây ra. Về dài hạn, có thể nói chính sách này thúc đẩy việc thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông quy mô lớn như “đập dữ liệu”, nền tảng của nền kinh tế số và thúc đẩy nền kinh tế dữ liệu để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các ngành công nghiệp truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh. "Thỏa thuận Mới về Kỹ thuật số" bao gồm 4 nội dung: tăng cường hệ sinh thái, chuyển đổi số cơ sở hạ tầng giáo dục, phát triển ngành công nghiệp không tiếp xúc và số hóa các trung tâm an ninh mạng (SOC). Cho đến nay, 18 bộ liên quan, các tổ chức nhà nước và các công ty tư nhân bao gồm cả các doanh nghiệp vừa-nhỏ và các công ty khởi nghiệp đã tích cực tham gia Thỏa thuận này. Những thay đổi trong hệ sinh thái số đang diễn ra mạnh mẽ tại Hàn Quốc và người dân nước này hoàn toàn có thể cảm nhận được kết quả.
"Dr Answer" - bác sĩ trí tuệ nhân tạo, là một ví dụ tiêu biểu cho thấy những thay đổi trong cuộc sống nhờ chuyển đổi số. Dr. Answer, được phát triển bằng cách liên kết và phân tích các dữ liệu y tế khác nhau, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị 8 bệnh, trong đó có ung thư đại trực tràng và các bệnh hiếm gặp ở trẻ em, giúp cải thiện độ chính xác và giảm thời gian chẩn đoán. Thống kê cho thấy, đã có sự cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng từ 74-81% lên 92%, rút ngắn thời gian chẩn đoán đối với bệnh hiếm gặp ở trẻ em 5 tuổi xuống còn 15 phút...
Về tầm quan trọng của chính sách hòa nhập số của Hàn Quốc, ông Park Yun Kyu nhấn mạnh hệ thống theo dõi bệnh truyền nhiễm sử dụng dữ liệu lớn, giáo dục từ xa và truyền thông là cốt lõi của Hệ thống Kiểm dịch Hàn Quốc (K-Quarantine). Ông nhấn mạnh nếu "Thỏa thuận Mới về Kỹ thuật số" là một chiến lược hàng đầu để khám phá động cơ tăng trưởng mới của Hàn Quốc, thì chính sách hòa nhập số đóng vai trò như một mạng lưới an sinh để mọi người dân tận hưởng lợi ích của các công nghệ và dịch vụ số một cách đồng đều mà không bị phân biệt đối xử hoặc bỏ rơi. Trong bối cảnh có nhiều người hoàn cảnh như người già, người có thu nhập thấp và người tàn tật, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thay đổi, Hàn Quốc đã tổ chức 1.000 “lớp học kỹ thuật số”mỗi năm sử dụng các không gian sống như trung tâm cộng đồng, thư viện và trung tâm dành cho người cao tuổi để bất kỳ ai muốn học công nghệ kỹ thuật số có thể học ngay gần nhà họ. Hiện Hàn Quốc đang có kế hoạch xây dựng mạng Internet tốc độ cao ở khoảng 1.300 vùng nông thôn và làng chài, đồng thời mở rộng sóng Wi-Fi công cộng tới 410.000 địa điểm công cộng để mọi người dân có thể truy cập mạng mọi lúc, mọi nơi mà không bị phân biệt đối xử.
Mạnh Hùng (TTXVN)