Người dân biết gì về bảo hiểm xã hội số trên thiết bị di động?
Có rất nhiều chức năng tiện ích trên ứng dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) số trên nền tảng thiết bị di động mà người dân còn chưa biết đến
Ông Trần Ngọc Thương - Phó phòng Quản lý thu và ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Giám đốc BHXH TP.HCM tại buổi đối thoại (Ảnh: Phi Phi)
Sáng hôm nay, ngày 14/4, hội nghị đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo BHXH TP.HCM đã thu hút gần 300 doanh nghiệp trên địa bàn tới tham dự. Bên cạnh việc trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp trong việc trích nộp bảo hiểm, lãnh đạo BHXH TP.HCM cũng thông tin đến doanh nghiệp những quy định mới về thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh và triển khai hướng dẫn cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID) trên nền tảng thiết bị di động.
Ông Nguyễn Hữu Tín – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) - đánh giá: “Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều vì đại dịch COVID-19, nên chúng tôi cố gắng tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, khúc mắc”.
Có mặt tại chương trình đối thoại, ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cũng khẳng định: “BHXH TP.HCM tham gia các buổi đối thoại với doanh nghiệp để giải đáp vướng mắc, cùng thảo luận về các vấn đề khó khăn trong việc trích nộp bảo hiểm, phổ biến chính sách mới về BHXH, BHYT tới doanh nghiệp”.
Ông Trần Ngọc Thương giải thích về BHXH số, BHYT điện tử (Ảnh: Phi Phi)
Trao đổi về quy định mới về thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh, ông Trần Ngọc Thương – Phó phòng Quản lý thu (BHXH TP.HCM) cho hay: “Theo khoản 3 điều 22 Luật BHYT quy định, trước thời điểm 1/1/2021 thì người có thẻ BHYT tự đi khám không đúng tuyến sẽ được thanh toán tới 60% chi phí khám chữa bệnh, theo quy định thông tuyến huyện BHYT trên toàn quốc. Kể từ ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh nội trú tuyến tỉnh không đúng tuyến có giấy chuyển viện được thanh toán từ 80% đến 100% chi phí theo quy định”.
Nói về BHXH số (VssID) – ông Trần Ngọc Thương phân tích: “VssID là ứng dụng của BHXH Việt Nam trên nền tảng thiết bị di động. Với ứng dụng này, người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp có thể tra cứu quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, lịch sử khám chữa bệnh (KCB) và tiếp cận thông tin dễ dàng, thuận tiện nhất”.
Ngay tại hội nghị, BHXH TP.HCM đã tập huấn cho đại diện 300 doanh nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn chi tiết cách tải ứng dụng VssID từ AppStore và Google Play hoặc dùng điện thoại thông minh để quét mã QR cài đặt ứng dụng.
Gần 300 doanh nghiệp đến tham dự buổi đối thoại với BHXH TP.HCM (Ảnh: Phi Phi) |
Được biết, người dùng VssID chỉ cần xác minh danh tính một lần duy nhất. Sau khi nộp tờ khai điện tử đăng ký tài khoản VssID, người dùng vẫn cần đến cơ quan BHXH gần nhất, mang theo giấy tờ tuỳ thân (CMTND/Hộ chiếu) để hoàn tất quá trình đăng ký. Tại cơ quan BHXH, người dùng sẽ nhận được tài khoản, mật khẩu đăng nhập và được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.
VssID cho phép người dùng bảo vệ được các quyền lợi an sinh, đảm bảo chỉ có user đã xác thực mới có thể đăng nhập và sử dụng các quyền lợi, tiện ích, giao dịch trong BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên ứng dụng.
Nói về VssID, ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Giám đốc BHXH TP.HCM - cho hay: “BHXH số trong thời gian tới sẽ được tích hợp thông tin của công dân trên căn cước công dân gắn chip. Đây chính là từng bước trên lộ trình tiến tới sẽ bỏ hẳn sổ BHXH giấy như hiện tại, chuyển sang sử dụng thẻ BHXH, BHYT điện tử hoàn toàn trong tương lai”.