Tổng kết 1 năm triển khai CTGDPT 2018: Kiên định mục tiêu đổi mới
Ngày 20/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa; các Thứ trưởng Bộ GDĐT: Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; một số Bộ ban ngành. Đầu cầu 63 Sở GDĐT có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố; lãnh đạo Sở GDĐT và các ban ngành liên quan.
Quang cảnh hội nghị
Những kết quả tích cực bước đầu
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tháng 12/2018, Bộ GDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) - chương trình đầu tiên được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học/hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học với định hướng phát triển toàn diện cả phẩm chất, năng lực học sinh.
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa bước đầu đã có kết quả tích cực. 5 nhà xuất bản với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn, trình thẩm định và được phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, 3 bộ sách giáo khoa lớp 2, 3 bộ bộ sách giáo khoa lớp 6, ở đầy đủ các môn học/hoạt động giáo dục theo CT GDPT 2018 và bảo đảm chất lượng.
Năm học đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, các nhà trường đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Thầy cô cơ bản đã biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc sử dụng sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học đã phù hợp thực tiễn.
Kết quả học tập của học sinh lớp 1 năm vừa qua cho thấy, 100% hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Đặc biệt học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 có một số năng lực nổi trội hơn so với các khoá học trước thực hiện CT GDPT hiện hành. Tỷ lệ học sinh lớp 1 cả nước hoàn thành tốt chương trình môn tiếng Việt và Toán lớp 1 năm học 2020-2021 đều cao hơn năm học 2019-2020; tỷ lệ chưa hoàn thành giảm.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại hội nghị
Trong báo cáo tham luận của nhiều địa phương, kết quả này cũng được thể hiện rõ. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt chương trình môn Tiếng Việt, Toán lớp 1 đều lần lượt tăng 6,53% và 3,86% so với năm học trước; tỷ lệ chưa hoàn thành lần lượt giảm 1,34% và 0,45%. Tỉnh Hải Dương, tỉ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành tốt 2 môn Tiếng Việt, Toán tăng trên 10%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt và hoàn thành của tỉnh Đắk Lắk cũng tăng lên ở cả nhóm học sinh dân tộc thiểu số. Theo đó, trong số 18.160 học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh này có 15,6% đã hoàn thành xuất sắc, 14,1% hoàn thành tốt, 58,9% hoàn thành; tỷ lệ chưa hoàn thành là 11.4%, giảm 1,1% so với năm trước.
Từ giám sát thực tế và báo cáo của Bộ GDĐT, báo cáo của các địa phương, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những kết quả đạt được trong xây dựng chương trình, xã hội hoá sách giáo khoa, dạy học lớp 1. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, CT GDPT 2018 đã được xây dựng với quy trình đảm bảo tính khoa học, khả thi; khung chương trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; chương trình đảm bỏa tính toàn diện, bài bản, tiến bộ.
Việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đánh giá, đã được thực hiện bài bản, chặt chẽ, trách nhiệm. Chính phủ, Bộ GDĐT và các địa phương đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chủ trương đổi mới nên sớm phê duyệt, cho triển khai các đề án nhằm đảm bảo đồng bộ các điều kiện về đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, quá trình giám sát thực tế, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng nhận được phản ánh của cử tri, dư luận về chất lượng, giá thành sách giáo khoa, việc phân phối thời lượng chương trình ở bậc tiểu học và cấu trúc chương trình ở bậc trung học đối với các môn tích hợp. Uỷ ban đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của nhà giáo, chuyên gia; hằng năm có đánh giá tổng kết chương trình, để có những giải pháp định hướng kịp thời đảm bảo chất lượng việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Hướng đi đúng nhưng điều kiện triển khai còn khó khăn
Sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đại diện các địa phương đều khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, xu thế tất yếu cần thực hiện, nên các địa phương năm vừa qua đã đầu tư dồn lực cho thực hiện chương trình lớp 1. Tuy nhiên, chặng đường dài để triển khai CT GDPT 2018, các điều kiện triển khai về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất sẽ gặp không ít khó khăn.
Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng cho biết, để đáp ứng cho lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày, Hải Phòng còn thiếu khoảng 600 giáo viên. Nhưng khi cả lớp 3, 4, 5 thực hiện học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của CT GDPT mới, Hải Phòng sẽ phải bổ sung thêm 1.572 giáo viên nữa. Trong khi đó, ở một số môn học đặc biệt là cấp tiểu học, dù có muốn tuyển nhưng cũng không có nguồn tuyển. Ông Trà đồng thời đề xuất, Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên có chiến lược để cung cấp nhân lực đang “khan hiếm”, sẵn sàng nguồn tuyển khi Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ giao chỉ tiêu cho ngành.
Khẳng định năm học vừa qua đã ưu tiên chọn giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ tốt để dạy học lớp 1, đảm bảo đủ số lượng dạy 2 buổi/ngày, tuy nhiên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cũng chia sẻ khó khăn về thiếu giáo viên tại địa phương. Theo đó, hiện nay việc giao biên chế giáo viên đang được tính toán theo định mức số học sinh/lớp, tuy nhiên Bắc Kạn với đặc thù tỉnh miền núi diện tích rộng, dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, có nhiều điểm trường, nên số học sinh/lớp không đảm bảo theo định mức, do vậy, số lớp tăng lên nhưng chỉ tiêu biên chế giáo viên lại không đáp ứng yêu cầu.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành trao đổi một số vấn đề địa phương quan tâm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ GDĐT có ý kiến với Bộ Nội vụ, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục có ý kiến với Chính phủ để xem xét việc giao biên chế giáo viên cho các tỉnh căn cứ vào số lớp trên thực tế. Ngoài ra, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện CT GDPT 2018 của tỉnh Bắc Kạn cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh thiếu phòng học bộ môn, nhiều trường thiếu nơi ăn, chỗ nghỉ để học sinh ở bán trú, nội trú khi thực hiện chương trình mới.
Khó khăn về kinh phí cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là vấn đề được nhiều địa phương nêu ra tại hội nghị. Theo đó, hiện nay Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn nguồn kinh phí riêng cho thực hiện đổi mới CT GDPT mà sử dụng chung nguồn kinh phí địa phương. Trong khi đó, địa phương lại thực hiện nhiều nội dung chi và ưu tiên các nhiệm vụ chính trị khác như phòng chống dịch Covid-19, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… dẫn tới khó khăn trong đầu tư cho triển khai chương trình.
Kiên định mục tiêu đổi mới, linh hoạt ở phương pháp triển khai
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Chặng đường triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu với lớp 1 trong năm học vừa qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ GDĐT coi đây là nhiệm vụ rất trọng tâm, quyết liệt tập trung chỉ đạo, cùng với đó là sự quan tâm phối hợp của các bộ, ngành. Đặc biệt, địa phương đã vào cuộc rất trách nhiệm.
“Vạn sự khởi đầu nan, nên chặng đường đầu tiên với lớp 1 bao giờ cũng có nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực chung chúng ta đã bước đầu vượt qua được khó khăn, thách thức”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự quyết tâm, tính thống nhất, sự kiên định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc của các địa phương, ban ngành; đặc biệt sự dốc sức của những người triển khai trực tiếp là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị
“Quá trình đổi mới, hơn ai hết những người làm lãnh đạo, quản lý cần hiểu thấu và kiên định mục tiêu; nhưng có thể linh hoạt, mềm dẻo ở phương pháp. Nếu mục tiêu lớn, cốt lõi không kiên định thì đổi mới đã khó sẽ càng khó hơn”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng, với việc lớn, khó cần thông tin đầy đủ, tạo đồng thuận, thấu suốt. Trên phương diện này, Bộ trưởng đánh giá, chúng ta đã làm khá tốt, nhưng cần làm tốt hơn nữa để tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội khi đón nhận đổi mới và đồng hành trong công cuộc đổi mới.
Về chặng đường sắp tới, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự kiên trì trong tư tưởng, quan điểm đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. Đổi mới để chuyển mạnh từ trang bị kiến thức, truyền thụ bị động, sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt.
Khẳng định đổi mới lần này rất sâu sắc, toàn diện, triệt để, vì thế, theo Bộ trưởng, trên phương diện quản lý nhà nước và cơ chế chính sách, Bộ GDĐT cần phải đổi mới thêm một bước. Từ chỗ quản lý nhà nước đối với cách thức dạy học, biên soạn sách giáo khoa, triển khai kế hoạch như cũ; chuyển sang phương thức xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, triển khai năng động hơn dành cho giáo viên và cơ sở giáo dục, thì quản lý nhà nước cần có sự đổi mới tương xứng. Việc này đã từng làm, đã làm tích cực nhưng thời gian tới cần lưu ý hơn nữa.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn sách giáo khoa, để bảo đảm có được chất lượng bản thảo sách tốt nhất. Chất lượng bản thảo phải là khâu then chốt. Việc thẩm định, chọn sách, phát hành bảo đảm cạnh tranh lành mạnh dựa trên tiếng nói chuyên môn của các nhà giáo, cơ sở giáo dục và tinh thần không có học sinh thiếu sách giáo khoa. Việc chỉ đạo đẩy mạnh biên soạn sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương, sách giáo khoa tiếng dân tộc cũng sẽ được Bộ GDĐT tiếp tục lưu ý triển khai trong thời gian tới.
Với một số nhóm vấn đề được địa phương trao đổi tại hội nghị như về giáo viên; sách giáo khoa, học liệu; cơ sở vật chất, tài chính…, Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT sẽ tiếp thu đầy đủ để có kế hoạch tháo gỡ. Đồng thời cho rằng, rất cần sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trong thực hiện. Bộ trưởng cũng mong muốn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ cùng quan tâm, có tiếng nói ủng hộ trong việc tháo gỡ vướng mắc của địa phương.
Riêng về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm để bảo đảm cung cấp đủ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.
Nhận định, năm học 2021-2022 vừa thực hiện mục tiêu đổi mới, cũng là năm học đầy thách thức do dịch bệnh, Bộ trưởng mong muốn, lãnh đạo các địa phương, cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý sẽ quyết tâm hơn nữa, năng động và sáng tạo hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu đổi mới.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục