23.500 thí sinh thi tốt nghiệp đợt hai, quyền lợi tuyển sinh được bảo đảm thế nào?
Hơn 23.500 thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Quyền lợi tuyển sinh của các em được đảm bảo như thế nào?
Thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT sẽ không có cơ hội xét tuyển vào đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPTẢnh: Như Ý
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, cho biết, từ ngày 9/7, các tỉnh, thành phố phải rà soát số lượng thí sinh thi đợt 2 cùng với tâm tư, nguyện vọng của các em, sau đó đề xuất lên Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhằm đưa ra thời điểm tổ chức kỳ thi đợt 2 phù hợp, phương án tổ chức thi an toàn, thuận lợi cho thí sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói rằng, Bộ phải dựa trên đề xuất của các địa phương về thời gian phù hợp cho việc tổ chức thi và đảm bảo an toàn phòng dịch. Theo ông Độ, cả nước có 39 tỉnh, thành phố có thí sinh dự thi tốt nghiệp đợt 2; Bộ GD&ĐT sẽ phải tập hợp đề xuất và họp bàn với tất cả các tỉnh, thành phố này, căn cứ thực tế dịch bệnh ở địa phương rồi chọn một thời điểm thi phù hợp với đa số.
“Mong muốn của Bộ là cùng với giải pháp quyết liệt của Chính phủ, của từng địa phương trong việc chống dịch thời gian tới, thí sinh thi đợt 2 sẽ không phải chờ đợi quá lâu, ảnh hưởng tới tâm lý của các em cũng như công tác xét tuyển của các trường ĐH, CĐ...”, ông nói.
Ông Độ cho hay, số lượng thí sinh thi đợt 2 chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với đợt 1 nên các giải pháp cũng có thể linh động hơn. Ví dụ, đến thời điểm thi đợt 2, nếu địa phương nào đó chưa đẩy lùi được dịch bệnh hoàn toàn thì có thể chuyển toàn bộ thí sinh sang một địa điểm khác an toàn để tổ chức thi. Việc đi lại, ăn ở của thí sinh sẽ do địa phương lo liệu. Năm 2020, kỳ thi đợt 2 được tổ chức gộp giữa các địa phương lân cận.
“Tôi cho rằng, mô hình đó chắc chắn rất nên làm trong năm nay, giúp giảm kinh phí và vất vả cho các địa phương. Ngoài ra, nếu thí sinh thuộc diện F0 ở đợt 1 của kỳ thi nhưng đến thời điểm thi đợt 2 đã khỏi bệnh, trở thành thí sinh không có F thì hoàn toàn có quyền tham dự kỳ thi. Tuy nhiên, các em đã thuộc diện được xét đặc cách tốt nghiệp nên về nguyên tắc, thi đợt 2 hay không là hoàn toàn tự nguyện”, ông nói.
Quyền lợi tuyển sinh
Trước câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về đảm bảo quyền lợi xét tuyển cho thí sinh thi đợt 2, đặc biệt là thí sinh F0, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT, nói rằng, thí sinh thuộc diện F0 trong kỳ thi đợt 1 sẽ được xét tốt nghiệp đặc cách, nhưng do không có điểm thi nên không thể tham gia xét tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với những thí sinh này, nếu vẫn có nguyện vọng xét tuyển ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, có thể dự thi vào đợt 2 (nếu đủ điều kiện). Ngoài ra, các em có thể tham gia xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau như xét kết quả học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác chiếm tới 45% tổng chỉ tiêu trên toàn hệ thống.
Theo đó, Bộ sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển đã dự kiến để có thể xét tuyển chung từ kết quả của cả 2 đợt thi, như đã thực hiện năm 2020”, bà Thủy cho hay. Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà kỳ thi đợt 2 được tổ chức quá xa, dẫn tới không thể tổ chức xét tuyển chung 1 đợt, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng lớn tới kế hoạch năm học của các trường.
Trước câu hỏi “quá xa” là bao lâu, bà Thủy trả lời rằng, đó là khi kế hoạch năm học tới của các trường ĐH bị ảnh hưởng. Nhưng bà tin tưởng rằng, năm nay hoàn toàn có đủ thời gian để xét chung đợt như năm 2020. Vì thí sinh và các trường vẫn còn quỹ thời gian, nên thí sinh yên tâm ôn thi thật tốt để đạt kết quả cao trong đợt 2.
Với thí sinh F0 trong kỳ thi đợt 2, Bộ GD&ĐT vẫn đang bỏ ngỏ việc đảm bảo quyền lợi cho các em. Thực tế đang diễn ra cho thấy, thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 gần như không có cơ hội xét tuyển vào những trường ĐH tốp trên.
Theo đề án tuyển sinh của các trường ĐH y dược lớn trên cả nước như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược Thái Bình, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y dược TPHCM…, ngoài tuyển thẳng các đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT, chỉ có duy nhất 1 phương thức xét tuyển là lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Hay như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, dù dành 50% chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức riêng nhưng với đối tượng xét tuyển nào cũng yêu cầu thí sinh phải thi 3 môn/tổ hợp đạt từ 18 điểm trở lên. Trường ĐH Ngoại thương đã khóa sổ các phương thức tuyển sinh riêng. Như vậy, nếu chẳng may trong đợt 2 thi tốt nghiệp, thí sinh trở thành F0 mà chưa trúng tuyển bằng các phương thức khác thì cơ hội tuyển sinh của các em vào các trường tốp đầu là bằng 0.
Bộ GD&ĐT khẳng định, các trường được tự chủ tuyển sinh nên có quyền quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp. Đại diện một trường ĐH nổi tiếng ở Hà Nội khẳng định, trường làm theo đúng đề án tuyển sinh đã công khai, chỉ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, không có ngoại lệ.
Không được thi đợt 1 vì đi muộn sẽ được thi đợt 2
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vừa qua, một số thí sinh vì nhiều lý do đã đến trường thi muộn hơn 15 phút sau thời gian bóc đề. Theo quy chế, những thí sinh này không được tiếp tục tham gia kỳ thi, coi như bỏ thi. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT được chia thành 2 đợt. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, cho biết, trong điều kiện cụ thể của năm nay, Bộ cho phép đối tượng thí sinh này được thi đợt 2. “Đây là thể hiện tinh thần nhân văn đối với thí sinh, phù hợp với bối cảnh của năm nay”, ông Trinh nói.
“Đối với thí sinh thi đợt 2, để các em yên tâm, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021 trong tình hình dịch COVID-19.