Tuesday, 24/12/2024 - 19:25|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

SỨC ẢNH HƯỞNG LỚN CỦA MỘT NHÀ GIÁO

Dạy học bằng tấm lòng thôi chưa đủ, để đốt lên “ngọn đuốc” cháy rực trong mỗi học trò cần phải dẫn dắt bằng một trí tuệ nhạy bén và không ngừng sáng tạo. Làm được điều đó trong giai đoạn đất nước còn khó khăn, khi mà ngành giáo dục chưa thực sự được quan tâm không hề dễ dàng. Nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã làm được điều đó. Cô không chỉ khơi gợi được nguồn cảm hứng học tập, thắp sáng lên “ ngọn đuốc” trong mỗi học trò mà cô còn có sức ảnh hưởng lớn đến cả một thế hệ trong trong thời kì đổi mới.Nhắc đến cô như nhắc đến một tấm gương đầy nghị lực, tài năng và tâm huyết.

ẤP Ủ THÀNH CÔ GIÁO DẠY VĂN

Gặp cô Nguyễn Thị Thanh lần đầu, có lẽ ai cũng ấn tượng bởi dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, thông minh và vô cùng giản dị , nhưng mấy ai biết được hành trình đến với văn chương và nghề dạy học của cô lại có nhiều điều thú vị đến vậy.
Sinh năm 1962, tại Hoàn Long, Yên Mỹ, Hưng Yên, cô giáo Nguyễn Thị Thanh là con thứ 4 trong gia đình có6 anh chịem.Tất cả đều học hành giỏi giang, nức tiếng ở miền quê nghèo.Anh trai của cô là chú Nguyễn Văn Thoải đã từng làm Phó phòng giáo dục huyện Yên Mỹ.
Văn chương và nghề giáo đến với cô như một duyên nghiệp.Hồi đó nhà trường còn phải đến từng gia đình vận động các em đi học.Các bạn ở lứa tuổi cô, đều bỏ học giữa chừng.Riêng cô vẫn nuôi dưỡng, ấp ủ ước mơ làm cô giáo dạy văn. Có lần cô tâm sự: “cô yêu văn chương từ khi còn ở trong nôi, nghe những lời ru ầu ơ của mẹ, những câu chuyện cổ tích của bà và từ đó cô yêu văn chương, khi lớn lên cô rất thích đọc sách, mà sách hồi đó quý lắm. Nhưng cũng không ai quan tâm đến sách. Họ quan tâm đến khóm lúa, bụi khoai nhiều hơn, hồi đó nhà ai cũng nghèo, có cái ăn là may mắn lắm chứ chưa nói gì đến chuyện sách vở”.Cũng bởi vậy mà suốt mấy năm học phổ thông, cô luôn là học sinh xuất sắc môn văn.
Hồi ấy, chẳng ai thích vào sư phạm vì vào sư phạm đồng nghĩa với chữ “ nghèo”, nhưng cô yêu văn, yêu nghề giáo nên cô đã quyết định học trường CĐSP Hải Hưng. Cô may mắn là được gia đình ủng hộ. Năm 1983, cô tốt nghiệp với tấm bằng giỏi trong tay, cô được PGD-ĐT Châu Giang nhận về giảng dạy tại trường Phổ thông cơ sở Yên Phú.
KHÓ KHĂN NỐI TIẾP KHÓ KHĂN
Cô chính thức trở thành nhà giáo như ước muốn.Nhưng cũng kể từ đây, khó khăn nối tiếp khó khăn.
Về trường Phổ thông cơ sở Yên Phú công tác, cô được giao nhiệm vụ làm công tác đoàn và chủ nhiệm lớp 9b- là một lớp cá biệt nhất trường.Cô kể lại kỉ niệm đầu tiên đứng trên bục giảng: “Cô bước vào lớp, mà học sinh vẫn nhốn nháo như một cái chợ vỡ, có em còn chạy nhảy cả lên bàn. Cô đã đứng nghiêm, không nói một câu nào.Ồn ào một lúc, hs bắt đầu trật tự nghe ngóng.Cô mời cả lớp ngồi, rồi cô lấy giẻ lau xuống lau vết dép trên ghế cho một bạn học sinh.Cả lớp im phắc.Từ một lớp cá biệt, dần dần đã đi vào nề nếp.”. Quả thực đó là những ngày tháng khó khăn, vất vả nhất mà cô đã trải qua trong thời gian giảng dạy.
Sau 3 năm dạy học tích cực, say mê và tâm huyết, ngày 3 tháng 9 năm 1987, cô được kết nạp vào Đảng, đó là niềm vinh dự và tự hào mà cô nhớ mãi.
Tháng 8 năm 1988 do điều kiện gia đình khó khăn, chồng cô đi bộ đội, con còn nhỏ, nên cô xin chuyển công tác về gần nhà tại trường Phổ thông cơ sở Hoàn Long. Lúc đó cô được phân công là Tổ trưởng Tổ khoa học xã hội – một trọng trách không hề nhỏ.Để xứng đáng là tổ trưởng chuyên môn, cô luôn học hỏi, trau dồi và không ngại trao đổi chia sẻ với đồng nghiệp những vẫn đề khúc mắc. Điều mà cô trăn trở là nhiều giáo viên trong tổ còn bị cơm áo, gạo tiền bó buộc nên chuyên môn chưa được phát huy.
Năm học 1991-1992, cô lại được phân công thêm một nhiệm vụ nữa đó là Thư ký công đoàn ( Nay là chức danh Chủ tịch công đoàn). Dù bận công việc gia đình, con nhỏ, chồng đi bộ đội, nhưng cô vẫn tham dự cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đạt giải nhì.
Không chỉ vậy, sau mỗi bài học, mỗi năm học, cô đều có quyển tích lũy ghi chép lại. Nhìn vào những cuốn sổ tích lũy của cô từ khi cô đi dạy cho đến bây giờ mới thấy hết được tâm huyết của một nhà giáo! Cũng bởi thế mà năm nào cô cũng viết sáng kiến kinh nghiệm và đạt loại A. Những sáng kiến kinh nghiệm của cô rất sát thực tế, nó còn quý hơn cả những cuốn tài liệu mà các giáo sư viết, bởi những kinh nghiệm đó được rút ra từ những bài học xương máu trong cuộc sống và nghề dạy học.
Một sự kiện quan trong trong cuộc đời của cô mà bây giờ cô vẫn còn nhớ như in đó là tháng 8 năm 1993, trường Phổ thông cơ sở Hoàn Long tách cấp.Cô được nhận quyết định là hiệu trưởng THCS Hoàn Long.Từ một người giáo viên, chưa bao giờ làm quen với công tác quản lý, công việc lại càng khó khăn, vất vả hơn bao giờ hết.Cô chia sẻ: “Hồi đó cơ sở vật chất còn nghèo nàn, máy vi tính chưa có, mạng internet cũng không, không có cái gì để tham khảo, tất cả đều phải tìm tòi, học hỏi, có nhiều đêm cô thức đến hai ba giờ sáng là chuyện không có gì là lạ”.
THỦ LĨNH CỦA MỌI PHONG TRÀO

Với lòng say mê học hỏi, với lòng yêu nghề, năng nổ, nhiệt huyết mà cô đã đưa một trường trung bình của huyện Châu Giang trở thành một trường tiên tiến của huyện Yên Mỹ ( Năm học 1999-2000, trường chuyển Phòng giáo dục huyện Châu Giang về Phòng giáo dục huyện Yên Mỹ).
Năm 2005, cô tham gia cuộc thi Cán bộ quản lí giỏi và đạt giải 3.Không chỉ vậy, nhiều năm liền cô đạt chiến sĩ thi đua, trường đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc.Nhiều năm cô được nhận giấy khen, bằng khen.
Chính sự ảnh hưởng lớn của cô mà trường THCS Hoàn Long ngày nay đã có một vị thế mới- là ngôi trường đứng trong tốp đầu của huyện về công tác mũi nhọn và học sinh thi đỗ vào cấp 3. Đã có nhiều học sinh đã trưởng thành từ nơi đây.Đó là kết quả, là minh chứng rõ nhất, thực tế nhất của một “ thủ lĩnh tài ba” đầy nhiệt huyết, đam mê và nghị lực vượt khó.
AN NHIÊN

Là một học sinh của trường THCS Hoàn Long, giờ đây tôi đã trở thành một giáo viên của chính ngôi trường mà trước đây tôi đã từng học, đó là một nhân duyên và là điều hạnh phúc nhất.
Bốn năm là học sinh được cô trực tiếp giảng dạy, hơn mười năm là đồng nghiệp của cô, tôi không có cảm tưởng nào khác là cô chính là “thủ lĩnh tài ba”. Cô không chỉ đốt lên “ ngọn đuốc” cháy rực trong tôi, trong mỗi học trò của biết bao nhiêu thế hệ mà còn là thủ lĩnh dẫn dắt ngôi trường THCS Hoàn Long đi lên từ khi nó còn là “thai nghén”.
Giờ đây ngôi trường THCS Hoàn Long đã trưởng thành, đã lớn mạnh, nhiều học trò của cô đã thành đạt và giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, cũng là lúc cô lùi về phía sau, để nhìn lại cả một chẳng đường đầy thử thách, đầy gian nan, vất vả nhưng cũng đầy thắng lợi vẻ vang.
Hình ảnh một người bà tận tụy, một nhà giáo giản dị, chiều chiều bế cháu đi chơi, nhìn các em học sinh ra về với ánh mắt vui vẻ, hồn nhiên, chắc hẳn cô sẽ nhớ trường, nhớ lớp và nhớ một thời đã qua rất nhiều!

 

Tác giả: Phùng Thị Ngọc Hà
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 120
Hôm qua : 170
Tháng 12 : 1.441
Năm 2024 : 210.266