Thursday, 23/01/2025 - 12:18|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

Giãn cách ở Hà Nội, 'ai ở đâu ở đấy, ai ho sốt liên lạc ngay'

Trong thực hiện giãn cách xã hội, thành phố Hà Nội yêu cầu người dân ở tại nhà, khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở... chủ động liên lạc ngay với cơ sở y tế để được  lấy mẫu, xét nghiệm nhằm "bóc" hết F0 trong cộng đồng. 

“Ai ở đâu ở đấy” - đó là thông điệp mạnh mẽ được nêu trong Công điện về phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng ban hành ngày 31/7.

Một ngõ tại Hà Nội bị phong tỏa khi có ca Covid-19. Ảnh: Phạm Hải

Tại Hà Nội, trong Chỉ thị số 17 của Chủ tịch Hà Nội về thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố cũng đã yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác… 
Vì vậy, thành phố Hà Nội đã yêu cầu mọi người thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...Theo các chuyên gia về phòng, chống dịch, mục đích của giãn cách xã hội nhằm hạn chế tiếp xúc để tiến tới cắt đứt nguồn lây, vì vậy, việc thực hiện yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết là rất quan trọng. Tương tự, khi "ai ở đâu ở đó", nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở, việc liên hệ ngay với cơ sở y tế nhằm sàng lọc kịp thời, sớm phát hiện F0 trong cộng đồng.

Thời gian vừa qua, Hà Nội đã phát hiện rất nhiều ca nhiễm Covid-19 qua sàng lọc ho sốt trong cộng đồng, có triệu chứng không rõ ràng. 

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, những ca được phát hiện tại cộng đồng là điều đáng lo ngại.

Ông Tuấn cho hay, đợt dịch mới này khó khăn hơn nhiều so với những đợt dịch trước đó. Bởi vì hiện nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đều đã ghi nhận ca mắc. Các chùm ca bệnh đã xuất hiện rải rác từ quận đến huyện, từ khu vực nội thành đến ngoại thành.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhận định, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, điều lo lắng nhất chính là nhiều ca nhiễm trong cộng đồng mà chưa phát hiện ngay được. Bởi vì trong đợt dịch này, nhiều ca mắc bệnh nhưng lại có triệu chứng không rõ ràng. 

Do đó, khi chỉ cần có biểu hiện nhỏ thay đổi về sức khỏe, người dân cần phải khai báo ngay cho cán bộ y tế địa phương để giám sát, lấy mẫu. Có nhiều trường hợp, chỉ qua giám sát cộng đồng, qua triệu chứng ho, sốt, đã phát hiện dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Ông Tuấn cho rằng, tại thời điểm hiện nay, muốn phát hiện kịp thời ca bệnh, tiến tới cách ly, ngăn chặn và sớm khoanh vùng, dập dịch, cần tập trung vào 3 vấn đề quan trọng nhất.

Đầu tiên là ý thức tự giác của người dân. Mỗi người dân cần phối hợp với ngành Y tế tuân thủ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP, đồng thời tuân thủ thông điệp "5K" của Bộ Y tế.

Thứ hai là tăng cường hiệu quả, vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Các Tổ Covid-19 cộng đồng cần tăng cường rà soát, khi phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, cần thông tin đến lực lượng y tế địa phương để lấy mẫu xét nghiệm. Phát hiện sớm ca bệnh, sau đó cách ly bệnh nhân ra khỏi cộng đồng thì sẽ không còn nguy cơ.

Biện pháp quan trọng thứ ba là tăng cường năng lực của hệ thống y tế, trong đó đẩy mạnh tiến độ giám sát, lấy mẫu xét nghiệm.

“Mục tiêu khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội là sau 15 ngày, chúng ta phải "bóc" được toàn bộ các F0 đang nằm rải rác tại cộng đồng. 

Khi chúng ta áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả cùng với ý thức tuân thủ nghiêm túc của người dân thì sau 15 ngày, Hà Nội có thể khống chế được các ổ dịch”, ông Tuấn nói.

Quản lý chặt danh sách người có biểu hiện nghi nhiễm 

Để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, trong nhiều Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trước đó đã yêu cầu chính quyền và lực lượng chức năng cơ sở, Tổ Covid cộng đồng tăng cường giám sát di biến động, người từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa bàn.

Hàng ngày, Tổ Covid cộng đồng cập nhật, báo cáo chính quyền xã, phường, thị trấn theo mẫu hướng dẫn của Sở Y tế; kiểm soát chặt chẽ, giám sát người từ các tỉnh, thành phố trở về Hà Nội.

Người dân ở quận Hai Bà Trưng được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Phạm Hải

Người dân phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết; khi phát hiện có các biểu hiện ho, sốt, khó thở,…chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế tại địa phương để được lấy mẫu, xét nghiệm, sàng lọc trong thời gian sớm nhất.Các đơn vị y tế trên địa bàn được giao thực hiện rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, quản lý chặt chẽ danh sách người có biểu hiện nghi nhiễm vi rút SARs-CoV-2 như: Ho, sốt, khó thở,… khi đến các cơ sở kinh doanh dược phẩm hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống phát sinh…

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, từ ngày 19/7, Sở Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị hệ y tế dự phòng rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, để đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc Covid-19, không cần yếu tố dịch tễ.

Hiện nay, nhiều địa bàn trên thành phố đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng để sàng lọc vi rút SARS-Cov-2. Dẫn chứng, trong ngày 31/7, quận Hai Bà Trưng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thuộc 15 phường trên địa bàn. 

Đây là những người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao với nhiều ổ dịch, mật độ dân cư đông, chợ dân sinh giao thương lớn, các hộ kinh doanh... Việc xét nghiệm diện rộng sẽ góp phần đưa ra các quyết định sớm, chính xác để ngăn ngừa dịch Covid-19 lan rộng.

Trong Công điện số 7 của UBND TP ban hành ngày 12/5 cũng nêu rõ, UBND TP yêu cầu các phòng khám tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn thành phố khi phát hiện người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở… phải lập danh sách và thông báo ngay với trạm y tế trên địa bàn.

Đồng thời, giao Sở Y tế, các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định nếu phát hiện phòng khám tư nhân, nhà thuốc không thực hiện nghiêm.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh từng nhấn mạnh, bên cạnh việc chủ động ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập TP, để chủ động tấn công, TP đã tăng cường 2 “cánh quân”: tầm soát các trường hợp ho sốt, mất vị giác và tầm soát các khu vực nguy cơ để khóa chặt mầm bệnh. 

Hiện nay, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. 

“Ai ở đâu ở đấy", "ai ho, sốt, khó thở liên lạc ngay", đây chính là cách người dân cùng chung tay với các cấp chính quyền tận dụng thời gian vàng giãn cách còn lại để sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, trở lại trạng thái bình thường mới sớm nhất trên địa bàn Hà Nội.\

Hương Quỳnh

Tác giả: Hà Phùng - Sưu tầm
Nguồn:Báo mới Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 57
Hôm qua : 172
Tháng 01 : 3.358
Năm 2025 : 3.358