Tuesday, 24/12/2024 - 01:46|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

Chuẩn bị phương án ứng phó sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 chủ trì cuộc họp
. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tăng năng lực điều trị tầng 1, hạn chế chuyển nặng

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận về những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, để đưa vào kịch bản ứng phó dịch bệnh thời gian tới. 

Theo đó, các ý kiến thống nhất, khi thực hiện giãn cách xã hội nhất thiết phải thực hiện nghiêm, thực chất; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong”. Khi đã thực hiện giãn cách xã hội (ở mức độ nguy cơ cao nhất theo Quyết định 2686 của Ban Chỉ đạo và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) phải đảm bảo đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”. 

Cùng với công tác chống dịch ở các điểm nóng, các ý kiến thống nhất kinh nghiệm bảo vệ vững chắc vùng xanh an toàn, đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ) của các địa phương đã triển khai trong thời gian qua. Trong bối cảnh dịch xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước, cần thực hiện nghiêm túc phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện những người đến, về từ địa phương khác. Các lực lượng xử lý nghiêm người đến, về từ địa phương khác không khai báo và chính quyền cấp cơ sở khi không nắm được, không thực hiện các biện pháp quản lý y tế đối với những người này.

Bên cạnh đó, các địa phương phải thiết lập ngay hệ thống đường dây nóng, đội y tế cộng đồng đến từng khu dân cư để tiếp nhận, giám sát, hỗ trợ y tế tại chỗ cho người dân có triệu chứng mắc COVID-19 cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Điển hình, TP Hồ Chí Minh đã phổ biến các đơn thuốc, phương pháp tự chăm sóc, theo dõi, bảo vệ sức khỏe cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa…

Để bảo đảm người dân không ra khỏi nhà trừ trường hợp thật cần thiết, các địa phương chủ động chuẩn bị phương án vận hành hệ thống phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm bảo đảm thông suốt, trong đó những người thực hiện giao hàng phải được xét nghiệm định kỳ, tiêm vaccine, có dấu hiệu nhận diện, mã QR-code…

Trong công tác xét nghiệm, các ý kiến cho rằng, từ thực tiễn TP Hồ Chí Minh cho thấy, năng lực “rà đi, soát lại” nhiều lần trên diện rộng chưa đủ; có tình trạng một số địa phương lạm dụng xét nghiệm nhanh, “ngại” xét nghiệm RT-PCR. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm.

Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nếu cần xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở những thời điểm nhất định, phải thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực xét nghiệm để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao (phải di chuyển ra khỏi nhà), người cao tuổi, có bệnh nền…; trong đó, chú ý hướng dẫn người dân tự lấy mẫu để giảm tải cho lực lượng y tế.

Trong công tác điều trị, các ý kiến cho rằng, kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam cho thấy, phải tách riêng khu tiếp nhận ban đầu đối với người mắc COVID-19 không có triệu chứng, chưa được coi là bệnh nhân; từ đó có phương án chăm sóc phù hợp về thể chất và tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng. 

Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho các tầng điều trị bên dưới để cấp cứu, xử trí kịp thời những trường hợp diễn biến nặng rất nhanh, có đủ nhân lực, thuốc, oxy y tế, trang thiết bị theo quy định để bảo đảm số giường điều trị thực chất. Điển hình, một số địa phương đã chủ động trang bị hệ thống oxy tập trung ngay tại trung tâm y tế tuyến huyện.

Dịch đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài

Chú thích ảnh

 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đánh giá, nhận định những bài học kinh nghiệm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, diễn biến tình hình dịch COVID-19 rất phức tạp và kéo dài, nặng nề, nhất là đối với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương khác. 

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, 3 yếu tố “cực kỳ quan trọng” mà tầng điều trị thứ 2 phải chuẩn bị là oxy y tế, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm. “Nếu làm tốt công tác điều trị ở tầng này sẽ giảm số ca chuyển nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế đã liên tục ban hành văn bản yêu cầu, nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn cụ thể các địa phương “phải đảm bảo oxy cho điều trị ở tầng 2”. Do đó, các địa phương khẩn trương rà soát lại nhu cầu số lượng oxy điều trị, bồn chứa oxy, bình lớn chứa oxy… ở các cơ sở y tế thuộc tầng 2.

“Đây là tầng điều trị vô cùng quan trọng, do đó các địa phương phải đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế thuộc tầng 2 để đảm bảo có thể thực hiện được các kỹ thuật cao nhất khi cần. Đối với tầng 2, Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng máy thở dòng cao (HFNC) trong điều trị, máy thở không xâm nhập… và một số trang thiết bị khác mà nhân viên y tế có thể kiểm soát được”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Về thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm, Bộ trưởng nhấn mạnh, cùng với oxy y tế, các cơ sở ở tầng điều trị thứ 2 phải luôn có thuốc kháng đông và kháng viêm; phải cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ nặng. Tới đây Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm, sử dụng thuốc Molnupiravir - một trong những thuốc được đánh giá là giảm nhanh nồng độ SARS-CoV-2.

Thời gian tới, Bộ Y tế tập trung tổ chức, đôn đốc triển khai Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; tiến hành đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức (“nguy cơ rất cao”, “nguy cơ cao”, “nguy cơ”, “bình thường mới”) cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp tỉnh, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh để có giải pháp xét nghiệm, cách ly, phong tỏa, tiêm vaccine… phù hợp với điều kiện thực tế.

Nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường hoạt động của các Tổ COVID-19 cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các lực lượng tập trung bao vây, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu tử vong để đưa sớm trở về trạng thái “bình thường mới”.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 13/8, thế giới ghi nhận trên 206,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 4,3 triệu ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận 252.896 ca, trong đó 255.748 ca mắc trong nước (chiếm khoảng 99% tổng số ca), 92.738 người đã khỏi bệnh, 5.088 ca tử vong. Trong vòng 25 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; 20 ngày thành phố Hà Nội giãn cách xã hội; 21 ngày tại Phú Yên; 6 ngày tại Khánh Hòa…, cả nước ghi nhận 201.582 ca mắc.

Diệp Trương (TTXVN)

Tác giả: Hà Phùng - Sưu tầm
Nguồn:Báo mới Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6
Hôm qua : 170
Tháng 12 : 1.327
Năm 2024 : 210.152