Sở đòi chứng chỉ sư phạm mới, giáo viên hợp đồng Hưng Yên kêu cứu Cục Nhà giáo
Đã có quyết định phê duyệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh, giáo viên Hưng Yên bức xúc khi xét tuyển đặc cách lại cần có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo thông tư mới.
Tỉnh đã phê duyệt nhưng Sở Nội vụ thông báo không tiếp nhận
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư phản ánh của các giáo viên hợp đồng lao động lâu năm tại thành phố Hưng Yên và huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về những bất cập trong tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước.
Theo đó, các giáo viên này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tiếp nhận đặc cách vào làm viên chức năm 2021.
Tuy nhiên, sau đó, Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên đã thông báo không tiếp nhận vào làm viên chức năm 2021 với lý do “các trường hợp này có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp với đối tượng và cấp học giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chưa đáp ứng về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí đề nghị tiếp nhận vào làm viên chức”.
Quyết định phê duyệt tiếp nhận đặc cách vào làm viên chức năm 2021đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: NVCC) |
Cụ thể, căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn của những giáo viên đã có hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội từ 31/12 /2015 trở về trước theo công văn 5378/BNV-CCVC của Bộ nội vụ ngày 05/11/2019 về việc “tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước”, Sở nội vụ tỉnh Hưng Yên đã có công văn hướng dẫn Ủy ban Nhân dân thành phố Hưng Yên, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã thực hiện các bước để tiếp nhận vào làm viên chức với những đối tượng như công văn 5378 của Bộ Nội vụ.
Đầu năm 2021, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Hưng Yên đã thông báo tiếp nhận hồ sơ của những giáo viên có đủ điều kiện và có tờ trình gửi Sở Nội vụ thẩm định. Sau khi thẩm định Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên có tờ trình gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên phê duyệt.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có Quyết định Phê duyệt kế hoạch tiếp nhận viên chức đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước của thành phố Hưng Yên và huyện Kim Động....
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức tiếp nhận viên chức theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ Tỉnh Hưng Yên đã có công văn 879/SNV- CCVC gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xin ý kiến việc sử dụng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Giáo viên bức xúc khi đã qua vòng kiểm định hồ sơ, phỏng vấn, đã có Quyết định phê duyệt của Uỷ ban Nhân dân tỉnh nhưng cuối cùng sở Nội vụ không tiếp nhận viên chức. (Ảnh: NVCC) |
Ngày 15/9/2021 Sở Nội vụ nhận được công văn 765 của Cục nhà giáo và quản lý giáo dục. Ngày 20/9/2021 Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên có công văn 1170/SNV- CCVC gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hưng Yên trong đó có nội dung sau: “7 trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp với đối tượng và cấp học giảng dạy đề nghị tiếp nhận vào làm viên chức là chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí đề nghị tiếp nhận vào làm viên chức giáo viên theo quy định”.
Cần chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định mới
Theo phản ánh của các giáo viên, những giáo viên thuộc diện xét đặc cách của thành phố Hưng Yên và huyện Kim Động đã tham gia 2 vòng thi (kiểm tra hồ sơ, phỏng vấn) theo điều 13 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch tiếp nhận viên chức của hai địa phương này. Tuy nhiên, kết quả thi đã bị hủy và Sở Nội vụ thông báo không tiếp nhận viên chức.
Trong khi đó, một số giáo viên hợp đồng thuộc diện xét đặc cách trong năm 2021 ở các địa phương khác của tỉnh Hưng Yên cũng bị trả lại hồ sơ.
Các giáo viên được yêu cầu phải bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được cấp từ sau 22/5/2021 theo đúng Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT.
“Ủy ban Nhân dân huyện/thành phố nhận hồ sơ, Sở Nội vụ Hưng Yên đã thẩm định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra quyết định phê duyệt kế hoạch tiếp nhận vào làm viên chức đối với những giáo viên đã đủ điều kiện, nhiều giáo viên đã qua vòng kiểm tra hồ sơ và phỏng vấn, nhưng giờ đây chúng tôi vẫn chưa được tiếp nhận làm viên chức trong năm nay. Điều này khiến chúng tôi rất hụt hẫng.
Chúng tôi đều là những giáo viên hợp đồng lâu năm từ trước 31/12/2015. Thời điểm hợp đồng lần đầu với Ủy ban Nhân dân huyện/thành phố, chúng tôi đều có đủ các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định kể cả chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Vậy mà giờ đây, Sở Nội vụ Hưng Yên lại thông báo không công nhận chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cấp trước 2021 đối với giáo viên hợp đồng, có người đã hơn 10 năm công tác trong diện đặc cách như chúng tôi.
Việc áp dụng thông tư TT12/2021/TT-BGDĐT đối với chúng tôi - những người đã có đầy đủ văn bằng chứng chỉ theo quy định từ trước 31/12/2015 liệu có thể hiện tinh thần nhân văn đối với những giáo viên hợp đồng lâu năm không? Trong khi xét tuyển đặc cách lần này là cơ hội để chúng tôi vào biên chế tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục của tỉnh nhà”, một giáo viên chia sẻ.
Để có thông tin đa chiều, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Cù Trọng Khang - Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Hưng Yên.
Công văn số 762 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời sở nội vụ tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Chụp màn hình) |
Ông Khang cho biết, đối với việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước, Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên có xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Công văn số 762 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên đã nêu rõ: Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT ngày 05/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2021); Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT ngày 05/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2021).
Như vậy, theo quy định tại các Thông tư số 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì giáo viên và người đăng ký dự tuyển nếu không có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (phù hợp với đối tượng và cấp học) theo các chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại các văn bản nói trên.
Do đó, một số giáo viên của tỉnh Hưng Yên có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp với đối tượng và cấp học giảng dạy đề nghị tiếp nhận vào làm viên chức là chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí đề nghị tiếp nhận vào làm viên chức giáo viên theo quy định.
“Thời gian tới, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ có trách nhiệm cử những trường hợp này đi học bồi dưỡng để đáp ứng đủ điều kiện, sau đó mới tiến tới xét tuyển, tuyển dụng vào làm viên chức theo quy định.
Đối với những giáo viên đã được tuyển dụng từ trước năm 2021 mà vẫn dùng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũ được cấp trước ngày 22/5/2021 cũng cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/202/TT-BGDĐT mà bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành”, ông Khang khẳng định.
Các thầy cô giáo hợp đồng lâu năm trong diện đặc cách nhưng bị loại vì chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của họ được cấp trước 22/5/2021 cho rằng ý kiến của Sở Nội vụ chưa thỏa đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp trong việc xét tuyển đặc cách vào làm viên chức năm 2021 của họ.
Thông qua diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các thầy cô giáo đề nghị Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Công đoàn Giáo dục Việt Nam có ý kiến chính thức với tỉnh Hưng Yên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thầy cô, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Linh Trang