Thursday, 23/01/2025 - 06:08|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hoàn Long

Hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022

Ngày 23/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có văn bản gửi Sở GDĐT các địa phương về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. Năm học này, các nhà trường sẽ thực hiện đồng thời hai chương trình giáo dục phổ thông, là chương trình hiện hành (CT GDPT 2006, ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT) đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12 và chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018, ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT) đối với lớp 6.

Để triển khai hiệu quả cả hai chương trình, Bộ GDĐT nhấn mạnh CT GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Do đó, khi triển khai thực hiện ở lớp 6, các nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.

Phân công giáo viên dạy môn học mới phù hợp điều kiện từng trường

Trong CT GDPT 2018, lớp 6 sẽ có một số môn học và hoạt động giáo dục lần đầu xuất hiện. Đó là hai môn tích hợp Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, cùng Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Để tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục này hiệu quả, Bộ GDĐT đưa ra một số hướng dẫn cho các nhà trường triển khai thực hiện.

Cụ thể, với môn Lịch sử và Địa lí, chương trình môn học này bao gồm 2 phân môn là Lịch sử và Địa lí. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.

Việc phân công giáo viên dạy môn học này, Bộ GDĐT hướng dẫn các nhà trường căn cứ tình hình thực tế đội ngũ giáo viên,  Hiệu trưởng sẽ phân công thầy cô dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí. Mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kì phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên môn tích hợp Lịch sử và Địa lí được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí theo tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Đối với môn Khoa học tự nhiên, chương trình môn học bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên. Do đó, kế hoạch dạy học môn học, nhà trường cần xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kì, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.

Về phân công giáo viên, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công thầy cô dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của thầy cô. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên môn học này trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương. Căn cứ vào nội dung cụ thể của tài liệu giáo dục địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực thầy cô.

Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Giáo viên dạy học chủ đề nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chương trình bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động chủ yếu là: Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ. Bộ GDĐT hướng dẫn các nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lí, giáo viên đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực của cán bộ quản lí, giáo viên.

Kế hoạch tổ chức các hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Đồng thời cần tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.

Cán bộ quản lí, giáo viên được phân công tổ chức hoạt động nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với hoạt động đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch giáo dục, giáo án

Trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường đối với lớp 6 dạy học theo CT GDPT 2018, Bộ GDĐT hướng dẫn, các nhà trường thực hiện theo Công văn số 5512 ban hành ngày 18/12/2020. Các phụ lục kèm theo Công văn này được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án).

Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12 đang triển khai dạy học theo CT GDPT 2006, các trường cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đối với kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước, các trường cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Với các nội dung hướng dẫn trên, Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở GDĐT cần báo cáo kịp thời về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn, giải quyết.

* Xem chi tiết nội dung công văn trong file đính kèm.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Tác giả: Hà Phùng - Sưu tầm
Nguồn:Bộ giáo dục và Đào tạo Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 14
Hôm qua : 172
Tháng 01 : 3.315
Năm 2025 : 3.315